“Hắn” mà người trong xóm khẳng định là thủ phạm của những vụ ăn trộm vặt là anh Tâm mới chuyển đến ở cuối xóm. Nghe đâu Tâm từng bị ở tù vì trộm cắp tài sản của người khác. Vợ chồng Tâm kiếm sống bằng nghề buôn bán ve chai. Mỗi lần Tâm đạp chiếc xe đạp đi qua, người trong xóm lại bĩu môi: “Đi như rứa tiện thể dò la xem nhà nào có cái gì hớ hênh để mà “thó”. Không biết xấu hổ”. Nghi ngờ và dè bĩu của những người trong xóm khiến vợ chồng Tâm sống lặng lẽ, xa cách với mọi người. Có gì đó âm thầm và cam chịu trong cuộc sống của họ.
Nhà ông Thành bị mất cắp. Lần này rất nghiêm trọng, bởi tài sản bị trộm là số vàng có giá trị lớn được gia chủ cất giữ cẩn thận trong chiếc tủ chắc chắn và lúc nào cũng khóa. Công an phải vào cuộc. Người trong xóm khẳng định: “Lần ni hắn chết chắc. Lại phải vào nhà giam bóc lịch. Ra tù rồi thì bán xới nhà mà đi chỗ khác ở chứ mặt mũi mô mà ở xóm ni nữa. Tật xấu không chừa”…
Vậy nhưng, vợ chồng ông Thành và người trong xóm “tá hỏa” khi kẻ gian không ai khác lại chính là cậu quý tử của ông Thành. Té ra lâu nay cậu ta giao du với đám thanh niên lêu lổng, thử “hàng trắng” rồi nghiện lúc nào cả nhà ông không ai hay biết. Điều làm mọi người bất ngờ hơn nữa là ở cơ quan công an, cậu ta khai, để có “thuốc” hút, chích thì bất kể thứ gì bán được tiền, cậu ta đều chôm. Từ trước đến nay, lợi dụng sơ hở của những nhà trong xóm, cậu ta bí mật “mượn” đồ của họ. Nhân thân “sạch sẽ”, lại là con của một nhà khá giả, nên cậu ta không bị ai nghi ngờ. Nhất là mọi người cho rằng chú Tâm ve chai làm những chuyện đó nên càng không ai nghĩ cậu ta lại là thủ phạm.
Vợ chồng Tâm vẫn đạp xe đạp đi mua bán ve chai. Mỗi lần anh Tâm đi ngang qua, người trong xóm không còn bĩu môi “phán” này nọ. Dường như ai cũng có cảm giác xấu hổ và ân hận khi đã nghĩ xấu về người khác một cách quá hồ đồ.
Phạm Thùy Chi