Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dự án cao tốc Cam Lộ- La Sơn qua huyện Phong Điền

Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành Trung ương, chủ đầu tư cũng như các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc đi qua nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi công cũng như các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án theo yêu cầu.

Về tình hình thực hiện Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế (Cam Lộ - La Sơn), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cho biết, đến nay tuyến chính đã hoàn thành, đã giải phóng mặt bằng và bàn giao cho đơn vị thi công 66,4/66,4 Km (đạt 100%); gồm cả các tuyến đường gom, đường hoàn trả Tuyến tránh phía tây thành phố Huế (đạt 100%). Một số hạng mục phát sinh do điều chỉnh, xử lý kỹ thuật mới bàn giao cọc giải phóng mặt bằng trong năm 2022.

Về GPMB phát sinh tại đường gom dân sinh Km102+200 mới bổ sung được Bộ GTVT bổ sung tại Công văn số 4849/BGTVT-QLXD2 ngày 17/5/2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Phú Lộc đang thực hiện và sẽ bàn giao mặt bằng trước 30/6/2022. Về đảm bảo nhu cầu vật liệu đất đắp, đá, cát cho dự án, tỉnh đảm bảo theo yêu cầu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông là công trình trọng điểm quốc gia mà Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh kiểm tra tra dự án đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ GTVT đã có nhiều chỉ đạo, chủ đầu tư, các địa phương, nhà thầu cũng có nhiều cố gắng, song 10 dự án thành phần giai đoạn 2017 - 2020 vẫn chậm khoảng 0,74% giá trị hợp đồng so với kế hoạch. Đặc biệt, 4 dự án phải hoàn thành năm 2022 gồm đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 (dài 63,4km), đoạn Cam Lộ - La Sơn (dài 98,3km), đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8 km) và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (dài 99km), chậm 1,7% giá trị hợp đồng.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từ nay tới hết năm 2022, các dự án phải hoàn thành trong năm cần đẩy nhanh thi công. Những nhà thầu nào không đáp ứng tiến độ thì thay thế. Cán bộ của ban QLDA  không hoàn thành nhiệm vụ thì thay người có năng lực hơn.

Đối với các dự án thành phần giai đoạn 2021 - 2025, các bộ, ban, ngành Trung ương tăng cường phối hợp với địa phương khẩn trương hoàn thành các công việc như lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu, triển khai công tác cắm mốc thực địa GPMB, lập hồ sơ đền bù, hỗ trợ, tái định cư, đánh giá tác động môi trường, thẩm tra khung chính sách GPMB..., để đảm bảo cho việc khởi công đúng tiến độ, đúng quy định của pháp luật.

Tin, ảnh: Nguyên Minh