Hạn chế được cải thiện

Trở lại bãi biển Thuận An những ngày đầu của mùa du lịch biển, chúng tôi bắt gặp khá đông du khách vui đùa, tắm biển. Khác với nhiều năm trước, biển Thuận An năm nay được đánh giá khá sạch sẽ, tình trạng chèo kéo khách giảm đáng kể. Anh Hồ Viết Quảng, trú tại phường Tây Lộc (Tp. Huế) về tắm biển, nhận xét: “So với những năm trước, biển Thuận An năm khá được lòng khách hàng, cách thức phục vụ nhã nhặn, bãi biển sạch đẹp, người ăn xin và bán hàng rong giảm nhiều. Dịp lễ vừa qua, giá cả không tăng nhiều so với ngày thường”.  
Biển sạch sẽ, du khách cảm thấy hài lòng hơn
Anh Nguyễn Văn Giàu, Phó trưởng ban thường trực Ban quản lý (BQL) bãi tắm Thuận An cho rằng, nếu như những mùa du lịch biển trước, khách phàn nàn về biển Thuận An bẩn và nạn chèo kéo khách, thì năm nay, hai vấn đề này là những điểm được cải thiện. Đội vệ sinh bãi biển gồm 12 nhân viên môi trường làm vệ sinh ở khu vực bãi tắm và phía trên tuyến đường, mỗi ngày 2 lần vào dịp sáng sớm và chiều tối. BQL bãi tắm Thuận An thường xuyên phối hợp các cơ quan ban ngành ráo riết ngăn chặn tình trạng bán hàng rong chèo kéo khách. Do vậy, tình trạng này đã giảm khoảng 30% so với trước đây.
Khách đến biển Hải Dương
Theo BQL bãi tắm Thuận An, từ đầu tháng 4/2015 đến nay, bãi tắm đón khoảng 3.000-5.000 lượt khách/ngày và dịp lễ, con số này tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba ngày thường. Ngoài đảm bảo vệ sinh môi trường và ngăn chặn tình trạng chèo kéo khách, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được các quán chấp hành nghiêm theo quy định dưới sự kiểm tra thường xuyên của BQL bãi tắm. “Hằng năm, chúng tôi đều được tập huấn vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngay tại quán, chúng tôi nhắc nhở nhân viên chú ý đến khâu chế biến thức ăn, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; bà Trần Thị Xuân, chủ quán Sao Biển tâm sự.
Theo ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển Du lịch thuộc Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng và thế mạnh về du lịch biển. Song, ngoài các dịch vụ vui chơi, nghỉ dưỡng, hầu hết các bãi biển trong tỉnh đều chưa có các dịch vụ trò chơi, giải trí, đặc biệt là các trò chơi cảm giác mạnh như: mô tô trên biển, lướt sóng,... Việc xây dựng các loại hình dịch vụ này sẽ tạo điểm nhấn thu hút du khách. Sở và tỉnh cũng có chủ trương, định hướng để phát triển các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí trên biển nhưng nguồn lực các địa phương còn hạn hẹp, cần phải trông chờ vào các doanh nghiệp đủ năng lực và kinh nghiệm về vấn đề này. Trong quy hoạch tổng thể du lịch đến năm 2025, vẫn có xác định các loại hình du lịch vui chơi, giải trí trên biển. Quan trọng là làm thế nào để thu hút các doanh nghiệp đầu tư.
Trao đổi với nhiều vị khách, được biết, hầu hết các quán đều bán theo đúng giá niêm yết, chuyện đội giá (kể cả phí gửi xe) ít khi xảy ra. Tuy các dịch vụ như tắm nước ngọt, thay quần áo có tính phí, nhưng mức giá không cao (2.000 đồng/lượt), nên du khách khá hài lòng. Đội cứu hộ tại bãi tắm túc trực 24/24 giờ nhằm đảm bảo sự an toàn cho du khách. Dịch vụ thuê áo phao có sẵn, đáp ứng nhu cầu của người tắm biển.
Không chỉ các bãi tắm lớn như Thuận An, Phú Thuận, Lăng Cô mà những bãi tắm nhỏ như Phú Diên (Phú Vang), Hải Dương (Hương Trà),… cũng thu hút khách từ nhiều nơi về vui chơi, tắm biển. Ông Nguyễn Văn Lá, chú quán Lá Huệ (Phú Diên) cho hay, các mùa du lịch biển trước chỉ có khách địa phương, nhưng năm nay biển Phú Diên đón một lượng khách lớn từ nhiều nơi trong và ngoại tỉnh về tắm biển kết hợp thăm khu di tích tháp Chăm, ngày cao điểm luôn trong tình trạng “cháy“ bàn, có ngày doanh thu hơn 20 triệu đồng.
Nghèo dịch vụ
Theo ông Nguyễn Việt, Phó Trưởng BQL bãi tắm Thuận An, năm 2010, ngay trên biển Thuận An có quầy bán hàng hải sản Nam Thuận An bán các mặt hàng đặc sản của địa phương, năm nay có thêm cơ sở sản xuất nước mắm Thuận An. Đây là cơ hội để người dân trong vùng quảng bá những sản phẩm truyền thống của quê hương và đáp ứng nhu cầu cho du khách làm quà mỗi lần đến đây. Song nhìn chung, biển Thuận An vẫn còn thiếu nhiều sản phẩm lưu niệm và dịch vụ vui chơi giải trí cho khách. “Khách du lịch đến đây chỉ được ăn uống và tắm biển. Thực tế, biển Thuận An vẫn còn thiếu nhiều dịch vụ kèm theo để vui chơi giải trí trên biển gây ấn tượng kéo chân du khách trở lại”, ông Việt nhận định.
Thị trấn Thuận An có nhiều dịch vụ lưu trú nhưng vẫn chưa đáp ứng, phù hợp với nhu cầu của phần lớn du khách. “Các khu resort giá thường cao, trong khi điều kiện kinh tế của phần lớn du khách đến biển Thuận An chưa cao. Một số điểm nghỉ dưỡng khác lại thiếu tiện nghi, nên nhiều vị khách không hài lòng“, ông Giàu phân tích.
Một số bãi biển nhỏ như Hải Dương, lượng khách dịp lễ và cuối tuần đổ về đông trong khi các quán kinh doanh ở đây vẫn theo hình thức tự phát. Hỏi về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Trần Phương, chủ quán Gió Biển Quán (Hải Dương) thông tin, quán mở ra được 3 năm nhưng vẫn chưa được tập huấn vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là thực trạng đáng lo ngại đối với những bãi biển nhỏ, bước đầu hình thành dịch vụ du lịch.
Trong khi các bãi biển lớn thiếu nhiều dịch vụ để níu chân du khách thì những bãi biển nhỏ lại chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có, khâu quảng bá vẫn còn hạn chế. “Hình thức kinh doanh ở biển vẫn còn tự phát, nhỏ lẻ, cần thêm nguồn đầu tư để phát triển. Tuy bãi biển và tháp Chăm gần nhau, nhưng người dân vẫn chưa làm được hình thức du lịch cộng đồng như nhiều nơi khác. Việc giới thiệu hình ảnh biển đến du khách vẫn còn khó”; ông Lê Đức Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Diên nhìn nhận.
Bài, ảnh: Lê Thọ - Hữu Phúc