Việc xả thải chưa qua xử lý ra môi trường tự nhiên, khai thác khoáng sản trái phép sẽ gây nguy cơ suy giảm tự nhiên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do đó, hoạt động bảo vệ môi trường cần quản lý chặt chẽ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Các KKT, CN trên địa bàn cần hoàn thiện sớm hệ thống xử lý nước thải tập trung, giúp DN tránh xả thải ra môi trường tự nhiên

"Mạnh tay" xử lý

Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh bất ngờ kiểm tra Công ty TNHH MTV Cao su Huy Anh (Phong Mỹ, Phong Điền) có hành vi đổ thải, đốt chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Tiếp tục kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện thêm 1 bãi chất thải rắn là bao bì đựng mủ cao su đã được đốt tại khu vực bãi đất trống nằm trong khuôn viên công ty. Hiện lực lượng chức năng đang xác minh, củng cố hồ sơ để xử lý vi phạm đối với công ty này.

Ngày 17/3, UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Dệt may Huế do vi phạm lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trước đó, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện công ty này không lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo đúng quy định, xả nước thải vào môi trường có các thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5m3/ngày đêm đến dưới 10m3/ngày đêm vào môi trường tại Khu công nghiệp (KCN) Phú Đa (Phú Vang).

Với vi phạm trên, Công ty CP Dệt may Huế bị phạt với số tiền 270 triệu đồng; trong đó, phạt 45 triệu đồng đối với hành vi không lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo đúng quy định; phạt 150 triệu đồng đối với thông số BOD5 vượt 11,5 lần so với quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; phạt tăng thêm 50% là 75 triệu đồng đối với các thông số COD vượt 4,5 lần, NH4+-N vượt 2,6 lần so với quy chuẩn.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương ký Quyết định số 539 xử phạt hành chính Công ty TNHH Hoàng Ngọc (Công ty Hoàng Ngọc) khai thác vật liệu san lấp tại khu vực đồi Trốc Voi 1 (Thủy Phương, Hương Thủy) với số tiền 220 triệu đồng. Các lỗi đơn vị này vi phạm, như không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định trong trường hợp thẩm quyền xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường thuộc UBND cấp tỉnh. Ngoài xử phạt nặng bằng tiền, UBND tỉnh yêu cầu đơn vị này nghiêm chỉnh khắc phục triệt để các lỗi vi phạm.

Nâng cao ý thức cho người dân, doanh nghiệp

Hiện nay, Thừa Thiên Huế có nhiều KKT, KCN, TTCN và làng nghề với số lượng DN đầu tư sản xuất kinh doanh khá lớn. Thời gian qua, tại các địa phương như Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Hương Thủy... đã xảy ra một số vụ khai thác khoáng sản trái phép, xả thải gây ô nhiễm môi trường bị lực lượng công an phát hiện, kiểm tra xử lý.

Theo Công an tỉnh, để ngăn chặn các vi phạm pháp luật về môi trường hiệu quả, đơn vị chỉ đạo các ban, phòng trực thuộc, công an các địa phương xây dựng kế hoạch tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện, đấu tranh với các trường hợp vi phạm, xử lý "đúng người, đúng địa chỉ", không ngoại trừ "vùng cấm". Ban Quản lý KKT, CN tỉnh, các công ty kinh doanh hạ tầng cần có trách nhiệm trong việc quản lý, theo dõi hoạt động của các DN, đơn vị đóng chân trên địa bàn trong lĩnh vực môi trường.

Thời gian tới, ngoài công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý, các sở, ban ngành, đoàn thể phải phối hợp triển khai, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người dân, DN. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn, quy hoạch các điểm trung chuyển và tập kết chất thải đảm bảo điều kiện về vệ sinh môi trường; hoàn thành xây dựng đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện các công trình, dự án xử lý nước thải tập trung tại các KKT, KCN, các làng nghề trên địa bàn...

Bài, ảnh: Song Minh