Một cánh đồng pin năng lượng Mặt trời tại tỉnh An Giang. Ảnh minh họa: TTXVN
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, nếu khu vực thực sự muốn nhìn thấy sự thay đổi với các nỗ lực khử carbon, thì cũng nên lưu ý đến việc ngừng hoạt động các nhà máy đốt nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm.
Chú trọng cơ chế chuyển đổi năng lượng
Theo ông Jigar Shah, Trưởng Nhóm nghiên cứu tính bền vững của Tập đoàn Maybank Investment Banking, trong số các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Indonesia, Malaysia và Philippines có tỷ trọng điện chạy bằng than cao nhất; trong khi Singapore và Thái Lan có tỷ trọng điện từ khí đốt tự nhiên ở mức cao. Các nhà máy điện chạy bằng than và khí đốt là những nguồn cung cấp điện chính hiện nay của khu vực.
Liên quan đến vấn đề này, ông Sharad Somani, một đối tác của Công ty KPMG châu Á - Thái Bình Dương nói thêm: “Hiện có những khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng năng lượng liên quan đến than và khí đốt ở hầu hết các thị trường chính của ASEAN. Không dễ để loại bỏ những khoản đầu tư này, bởi có những việc làm liên quan trực tiếp và gián tiếp đến chúng”.
Do nhu cầu năng lượng của ASEAN được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh chóng, tỷ lệ phát điện của các nguồn năng lượng tái tạo được dự kiến sẽ tăng từ mức 2% vào năm 2020, lên mức 23% vào năm 2025. Qua đó, ông Sharad Somani cho biết, nhằm nâng cao hơn nữa tỷ trọng của năng lượng tái tạo trên tổng công suất năng lượng, các quốc gia cần có một “cơ chế chuyển đổi năng lượng”, bao gồm việc ngừng hoạt động sớm các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Rõ ràng, quá trình chuyển đổi năng lượng xanh sẽ là một “hành trình dài, và kéo dài nhiều thập kỷ”, cả nhiên liệu hóa thạch và các nguồn năng lượng xanh từ năng lượng Mặt trời và gió, cho đến xe điện sẽ cùng tồn tại trong một thời gian kéo dài. Để đạt được mục tiêu này, đối tác và Đồng Giám đốc của Trung tâm đổi mới bền vững toàn cầu của Công ty Bain & Company, ông Dale Hardcastle lưu ý, cần “hướng đến sự cân bằng để có thể hành động từ cả hai phía” nhằm đáp ứng các mục tiêu về tính trung hòa carbon.
Được biết, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Lào đang hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; trong khi đó, Indonesia, một trong những nhà sản xuất than lớn nhất thế giới đã chọn năm 2060 là mốc thời gian để đạt được mục tiêu này.
Về triển vọng năng lượng của khu vực, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho hay, nhu cầu năng lượng ở Đông Nam Á đã tăng trung bình khoảng 3%/năm trong 2 thập kỷ qua. Quỹ đạo này dự kiến sẽ tiếp tục đến năm 2030, với 75% mức tăng này được đáp ứng bởi nhiên liệu hóa thạch, dẫn đến mức mở rộng gần 35% của lượng khí thải carbon.
Hướng đến một mạng lưới năng lượng
Giám đốc Điều hành, và là người đứng đầu mảng tiện ích ở khu vực Đông Nam Á của Công ty Accenture, ông Sean Lim chỉ ra rằng, khoảng 82% công suất điện mới được bổ sung trong năm 2020 là năng lượng tái tạo, dẫn đầu bởi sự thúc đẩy mạnh mẽ về năng lượng tái tạo (chủ yếu là năng lượng Mặt trời) từ Việt Nam.
Đáng chú ý, Philippines, Việt Nam và Thái Lan đã vươn lên trong bảng xếp hạng Chỉ số hấp dẫn quốc gia về năng lượng tái tạo (RECAI) được công bố hồi tháng 5 vừa qua. Đây là chỉ số xếp hạng 40 thị trường hàng đầu thế giới về đầu tư và cơ hội trong lĩnh vực tái tạo. Bên cạnh đó, Indonesia đã lần đầu tiên xuất hiện trong bảng xếp hạng này, sau khi đưa ra các mục tiêu đầy tham vọng về năng lượng tái tạo, cũng như chính sách để ngừng hoạt động các nhà máy điện than và diesel.
Trong đó, Malaysia đã nhất quán trong việc thu hút các cam kết lớn từ năng lượng Mặt trời; Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi công suất năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2016-2020 lên hơn 35.000 MW; và làn sóng bổ sung năng lực năng lượng tái tạo tiếp theo của Thái Lan sẽ là điều mà các nhà đầu tư có thể mong đợi. Singapore cũng đã tăng sản lượng năng lượng tái tạo lên hơn 50% trong cùng kỳ, ông Gilles Pascual, lãnh đạo của Tập đoàn EY về mảng năng lượng và tiện ích ở khu vực ASEAN cho biết thêm.
Tuy nhiên, khi các quốc gia Đông Nam Á ở những giai đoạn khác nhau trong hành trình phát triển và bền vững, các điều kiện địa lý và kinh tế khác nhau sẽ đồng nghĩa với những thách thức, cũng như cơ hội riêng đối với từng quốc gia. “Tất cả các quốc gia cần hợp tác để tạo ra một mạng lưới năng lượng. Các nhà hoạch định chính sách và các hiệp hội cần cùng nhau thảo luận về việc tích hợp cả lưới điện và nhiên liệu trong khu vực, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng”, ông Sharad Somani nói thêm.
Hướng tới mục tiêu này, lưới điện ASEAN đóng vai trò then chốt, định hình sự đổi mới và dòng điện xuyên biên giới trong không gian năng lượng tái tạo dựa trên một “tư duy mang tính khu vực” hơn. Đa số các chuyên gia có chung nhận định rằng, thập kỷ tới sẽ chứng kiến cảnh quan năng lượng Đông Nam Á thay đổi về cơ bản, và điều đó sẽ bao gồm cả chi phí năng lượng sạch, cũng như cơ hội tạo việc làm.
“Trong 10 năm tới, sẽ có rất nhiều sự tăng tốc; nếu tỷ trọng năng lượng tái tạo (năng lượng Mặt trời và gió) trong tổng sản lượng điện cần tăng gấp 4-5 lần trong 3 thập kỷ tới, thì việc đầu tư cần phải được thực hiện ngay từ bây giờ. Nhiều nước ASEAN cam kết giảm cường độ sử dụng năng lượng từ 50-55% vào năm 2030. Điều này cũng sẽ đảm bảo sự đầu tư vào năng lượng xanh lớn hơn nhiều so với những thập kỷ trước đó”, ông Jigar Shah nhấn mạnh.
LÊ THẢO
(Tổng hợp và lược dịch từ The Business Times & WEF)