Rèn luyện kỹ năng đạp xe đạp của học sinh Trường tiểu học Trần Quốc Toản
Những chia sẻ vui
Trong kỳ nghỉ hè năm ngoái, để con được hoạt động, tránh xa các thiết bị điện thoại, ipad và rèn được tính tự lập, tự tin, chị Lê Thị Anh đã đăng ký cho con trai 8 tuổi tham gia khóa học KNS. Chị chia sẻ, các khóa học KNS rất thiết thực. Sau khi tham gia, con trai chị đã nhận biết được những nguy hiểm đối với bản thân, biết cách phòng tránh, đặc biệt cháu tự tin hơn trong giao tiếp.
Cũng trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, không gian và thời gian để học sinh tham gia các hoạt động bị hạn chế. Không để con rơi vào sự nhàm chán và tù túng, chị Trần Thị Thu đã tìm hiểu và đăng ký khóa học KNS online cho con. Mỗi tuần 1 buổi, hai mẹ con cùng tham gia vào lớp học. Từ những kiến thức được học, chị cùng con thực hành và rèn luyện. Nhờ đó, con gái 9 tuổi của chị đã được làm quen với kỹ năng giao tiếp, ứng phó với các tình huống nguy hiểm, như cháy nổ, đuối nước, lạc đường...
Em Đoàn Nữ Minh Nhật, học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Chí Diểu tâm sự: Em thường học và đón nhận kỹ năng này khi giao lưu với bạn bè, tại các câu lạc bộ (CLB) mà em tham gia. Trong thời đại hiện đại hóa, các CLB bổ trợ cho em rất nhiều kỹ năng như giao lưu, học hỏi bạn bè, thầy cô... Lúc đầu, bố mẹ không đồng ý cho em tham gia các CLB vì cho rằng học sinh chỉ nên tập trung hoàn toàn vào việc học tập. Song sau này, nhận thấy tầm quan trọng của các CLB để bổ trợ về các kỹ năng cần thiết, bố mẹ đồng ý cho em tham gia để tập cách sống tự lập như tự đi học mà không có bố mẹ đi kèm...
Gợi mở từ Thông tư 04
Tháng 2/2014, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 04 về quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Thông tư 04 xác định rõ trách nhiệm của các trung tâm KNS và cơ sở giáo dục là phải đảm bảo chất lượng giáo dục KNS trong nhà trường. Ngay trong thẩm định cơ sở giáo dục kỹ năng sống, phải đảm bảo về chất lượng nhân sự và bằng cấp. Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo thành lập các tổ tư vấn trong nhà trường để hỗ trợ học sinh.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, sở đã chỉ đạo các trường học tập trung giáo dục kỹ năng cần thiết cho trẻ, như: Kỹ năng sinh tồn, kỹ năng tự nhận thức, chăm sóc bản thân, giao tiếp ứng xử, tự lập, làm việc nhóm. Các trường tiểu học lựa chọn nội dung hình thành kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng phó với các tình huống nguy hiểm. Còn các trường mầm non, phần lớn chú trọng hình thành kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự lập cho trẻ như, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, biết nói lời xin lỗi khi mắc lỗi, biết cảm ơn khi nhận quà. Sở GD&ĐT chỉ đạo Trường THCS Nguyễn Tri Phương làm mô hình điểm về xây dựng và hoạt động các CLB kỹ năng như, âm nhạc, nghệ thuật, ngoại ngữ, thể thao… hỗ trợ học tập cho học sinh, phát triển kỹ năng hoạt động xã hội.
Đáng nói, Trung tâm Tư vấn tâm lý và Giáo dục đặc biệt của Trường đại học Sư phạm Huế đã hợp tác và nhận lời mời từ các phòng, Sở GD&ĐT các tỉnh về tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, giáo viên chủ nhiệm, cán bộ đoàn, tổng phụ trách đội các trường - đó là đội ngũ nòng cốt được tập huấn theo kiểu cầm tay chỉ việc và bản thân họ sẽ về nhà trường và tập huấn lại cho toàn bộ giáo viên trong nhà trường về tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Các chương trình bồi dưỡng, tập huấn này đã nhận được những phản hồi tích cực từ đội ngũ giáo viên và họ đã đánh giá rất cao về hiệu quả.
Cần sự chung sức
ThS. Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý và Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Huế cho hay: Nhìn một cách khái quát, KNS của học sinh Thừa Thiên Huế còn nhiều hạn chế, bất cập. Với tư cách vừa là giảng viên vừa là nhà nghiên cứu giáo dục, chúng tôi đã thực hiện nhiều nghiên cứu về thực trạng giáo dục KNS cho học sinh, trong đó quan tâm khảo sát trình độ kỹ năng sống của học sinh ở các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Kết quả khảo sát cho thấy, giáo viên đánh giá trình độ KNS của học sinh và học sinh tự đánh giá trình độ kỹ năng sống của bản thân mới ở mức trung bình (đạt yêu cầu, nhưng cần người khác hỗ trợ hướng dẫn trong việc kỹ năng thực hiện).
Thực tế cho thấy, dù đã được quan tâm và mang lại hiệu quả thiết thực, nhưng việc giáo dục KNS cho học sinh vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều trường lồng ghép hoạt động này vào các môn học, hoặc đưa vào hoạt động chung theo hình thức ngoại khóa cho học sinh, vì thế thiếu chiều sâu, thiếu chuyên nghiệp. Phần lớn nội dung giáo dục còn nặng về lý thuyết mà thiếu thực tế, ứng dụng. Việc học tập trung với số lượng quá đông khiến những buổi học KNS như những buổi báo cáo chuyên đề. Nhiều chương trình học còn bất hợp lý, chưa phù hợp lứa tuổi học sinh. Đối với các gia đình, nhiều cha mẹ do bận rộn, áp lực với công việc mà phó mặc việc giáo dục, rèn luyện KNS của con cho các trung tâm và trường học. Do đó, trẻ chỉ mới dừng lại ở mức độ tiếp cận những KNS mà chưa được rèn luyện thường xuyên.
Giáo dục, rèn luyện KNS cho học sinh là hoạt động giúp các em có thể làm chủ bản thân, ứng xử phù hợp với cộng đồng và xã hội, thích nghi, học tập hiệu quả, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất, ứng phó tích cực trong các tình huống của cuộc sống. Để hình thành KNS cho trẻ không phải ngày một ngày hai mà cần một quá trình rèn luyện lâu dài, đòi hỏi sự quan tâm, giáo dục của gia đình, nhà trường và cả xã hội.
Bài, ảnh: Đan Duy