Đội ngũ quay phim Báo Thừa Thiên Huế online tác nghiệp vùng đầm phá Tam Giang. Ảnh: Thái Bình

Tôi đã từng nghe câu chuyện của một đàn anh đi trước trong nghề đúc kết ngắn gọn nhưng sâu sắc và có lẽ chưa bao giờ lỗi thời: “Ở đâu có tin tức, ở đó có phóng viên, nhà báo. Càng khó khăn càng lao tới”. Anh đã ví von người làm báo như người nông dân. Người nông dân cần mẫn thức khuya dậy sớm cày cuốc, gieo trồng, chăm bón để cho ra hạt gạo thơm ngon thì người làm báo phải lao vào những sự kiện, điểm nóng, đi tận cùng sự thật bất kể giờ giấc để cho ra những bản tin, bài viết, phóng sự… Giọt mồ hôi dù rơi xuống cánh đồng hay trên trang viết để cho ra “hoa thơm, quả ngọt” một cách tử tế, nhân văn sẽ luôn được chờ đón, tạo ra cảm hứng, lan tỏa đến xã hội, cộng đồng.

Để làm được điều đó, theo người đàn anh đồng nghiệp, người làm báo trong bối cảnh hiện nay ngoài sự dấn thân chưa đủ, mà còn phải có lòng chính nghĩa, giữ được “lửa” và đạo đức của nghề dựa trên các tiêu chí như tính chính xác, công bằng, khách quan và trên hết phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Nghề báo phải thường xuyên đối mặt trước những cám dỗ vật chất, tiền tài, danh vọng… nếu không có đủ bản lĩnh nhà báo dễ bẻ lệch ngòi bút để thỏa mãn những mưu toan cá nhân.

Sự khiêm tốn, giản dị, sự tự tin cũng như biết “đi tắt đón đầu” thời cơ, nghiên cứu tài liệu kỹ càng, biết tự tạo áp lực cho bản thân… trước khi bắt đầu cho mỗi lần tác nghiệp cũng vô cùng quan trọng đối với nghề báo. Có như thế nghề báo, người làm báo mới đảm đương được sứ mệnh, tồn tại để phục vụ cộng đồng, phục vụ con người.

Tôi đến với nghề có thể nói là muộn, nhưng muộn còn hơn không, như trải nghiệm, cơ hội mà theo lời cố nhà báo Hữu Thọ (nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân) từng chia sẻ rằng: “Nghề báo, nghề không có tuổi”.

Tiếp xúc với nhiều anh chị em đồng nghiệp, có người thâm niên, kinh nghiệm dày dặn trong nghề, nhưng cũng có bạn trẻ năng động vừa đặt chân vào con đường viết lách, tôi càng hiểu hơn đó là công việc chưa bao giờ dễ dàng. Đặc biệt, khi mà xu hướng báo chí đang thay đổi từng ngày, từng giờ để phục vụ nhu cầu của bạn đọc mọi lúc, mọi nơi, trên nhiều nền tảng công nghệ khác nhau.

Trong những lần trao đổi với anh chị em đồng nghiệp, một vấn đề luôn đặt ra, đó là xu hướng báo chí đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Những chuyện kể dù chỉ 20 năm về trước để so sánh với thời điểm hiện tại mới thấy sự thay đổi đó thần tốc ra sao. Ngày đó, những người làm báo phải đi xe đạp hàng trăm cây số để lấy tư liệu, rồi miệt mài viết bản thảo trên giấy trước khi tìm bưu điện fax về cơ quan, và trải qua rất nhiều quy trình khác trước khi cho ra một bài báo hoàn chỉnh. Nhưng nay, mọi thứ đã khác, khác từ tư duy làm việc cho đến phương tiện, phương thức tác nghiệp, cách tiếp cận vấn đề… Chỉ cần những thao tác nhanh gọn trên điện thoại thông minh, trong phút chốc một bài báo ngay lập tức được xuất bản và lan tỏa trên các nền tảng công nghệ, mạng xã hội.

Điều này đặt ra rất nhiều thách thức, áp lực, buộc các tòa soạn, đội ngũ những người làm báo phải không ngừng cập nhật. Qua quan sát, không riêng gì báo chí Trung ương mà báo chí địa phương những năm gần đây cũng đã thay đổi cách làm việc, đuổi kịp những xu hướng ấy với phương châm “thích ứng để thay đổi”. Nhờ sự thay đổi kịp thời, để rồi trên “cánh đồng chữ nghĩa” đó có những tác phẩm báo chí không chỉ hay về nội dung, mà còn ấn tượng trong cách trình bày thể hiện, tích hợp nhiều thể loại trên một sản phẩm báo chí, níu giữ được chân của bạn đọc, nghe, xem.

Mỗi giai đoạn, mỗi cách làm khác nhau. Nhưng dù ở trên cánh đồng nào đi chăng nữa, người nông dân hay người làm báo nếu giữ cho mình tâm thế cần mẫn, nhiệt huyết, niềm tin yêu với nghề mà mình theo đuổi chắc chắn sẽ cho ra những thành quả đáng trân trọng.

Hoàng Đăng Khoa