Tác giả trong chuyến thực tế cơ sở
Nhớ ngày đầu chập chững bước vào toàn soạn Báo Thừa Thiên Huế gửi tin bài, một nhà báo chuẩn bị tuổi hưu ở đây vừa cười vừa nói: "Cực lắm cháu à. Suy nghĩ kỹ rồi theo nghề hí !". Thực tình nghe câu nói dạo ấy đầu óc tôi cứ băn khoăn suốt trên quãng đường về nhà và mấy ngày sau vẫn không dứt. Thế mà không biết duyên hay phận, tôi theo đuổi nghề báo đến hôm nay với một ngày không viết, trong người cảm giác cứ thiếu thiếu cái gì...
Nghề báo là nghề đặc thù, yêu cầu nghề và đòi hỏi sự dấn thân của người làm nghề. Áp lực lớn của người làm báo khi làm tin bài mang tính thời sự (vấn đề "nóng", bạn đọc quan tâm) do chính nhà báo phát hiện hay lãnh đạo phân công, chỉ định, gắn với yêu cầu hoàn thành trong thời gian tính bằng giờ. Song, nỗi vất vả và áp lực nhất có lẽ là khi nhà báo phải điều tra, hay phản ánh một vụ việc xã hội, người dân bức xúc. Trước vấn đề này, bản thân luôn giữ "trái tim nóng và cái đầu lạnh" để tiếp cận, xử lý. Cũng có nhiều sự vụ khá mệt mỏi, mất ngủ, muốn buông để thanh thản... nhưng vì nhiệt huyết, "lửa" nghề không thể làm ngơ.
Mới đây, tôi cùng đồng nghiệp trẻ quan tâm câu chuyện các mỏ vật liệu đất đá, liên quan xe vận chuyển chở cày nát các tỉnh lộ - chuyện người dân địa phương bức xúc kêu than. Đây là vấn đề nhạy cảm, đụng chạm đến "nồi cơm" của doanh nghiệp, nhà xe, chủ mỏ... và cả những điều tế nhị khác. Trước áp lực này, nếu không phản ánh trung thực, khách quan thì sẽ làm cho bạn đọc hiểu nhầm. Trách nhiệm và cái tâm của nghề báo buộc mình không được lùi bước, giúp lãnh đạo các cấp và các ngành liên quan đưa ra giải pháp, kịp thời định hướng, giải quyết sự việc đúng bản chất. Đồng nghiệp tôi bảo: "Anh xem kỹ vấn đề trước khi đưa lên mặt báo, chỉ cần lộ ảnh có biển số xe của họ là phiền". Tôi khẳng định, "đã đi là tới", có những việc cần rõ ràng, vì cái chung sẽ có công lý, xã hội bảo vệ.
Hơn chục năm về trước tôi lâm trận nhớ đời trong nghề làm báo khi phát hiện một nhóm người ngang nhiên phá rừng thông tự nhiên trên đèo Phước Tượng (Phú Lộc) - vốn rừng này bảo vệ điều hòa khí hậu, môi trường phía nam tỉnh nhà. Hôm đó nhóm người này phát hiện tôi là nhà báo nên tìm cách bủa vây, dằn mặt với lời lẽ hàm ý đừng vì việc chung mà dẫn đến chuyện không hay về cá nhân. Tại hiện trường dẫu có chút bận tâm, nhưng vẫn trấn an mình - việc ai nấy làm. Sau đó đồng chí Bí thư Huyện ủy Phú Lộc thời điểm đó vào cuộc xử lý, ngăn chặn phá rừng thông, được người dân địa phương đồng tình ủng hộ.
Có lẽ chỉ những người trong cuộc hoặc đã tham gia có trách nhiệm với nghề báo mới thấy nỗi vất vả của người làm báo. Khi viết những vấn đề mang tính tuyên truyền đơn vị này, ban ngành nọ... thì không khó, nhưng khi phản ánh những mặt trái, tiêu cực, đòi hỏi cái tâm, tầm của người làm báo. Bao vấn đề đặt ra phải lường, trước mỗi chuyến đi thực tế cơ sở phải tính kỹ để công việc mang lại hiệu quả.
Đến bây giờ, tôi đã từng nếm trải bao chuyện buồn vui trong nghề báo. Đôi khi đã tự vấn và trải lòng với đồng nghiệp - nghề báo không chỉ có sự vất vả, khắc nghiệt, nhưng nó đem lại cho mình trải nghiệm mới và những cái “được” không phải nghề nào cũng có. Cái được lớn nhất của người làm báo là được đi nhiều, biết nhiều, tiếp xúc nhiều, mối quan hệ rộng... Tuy vất vả, nhọc nhằn và hiểm nguy nhưng người làm báo nhận lại nhiều niềm vui, hạnh phúc. Hạnh phúc lớn nhất của người làm báo là hiệu ứng từ những tác phẩm báo chí được công chúng quan tâm, đón nhận, có tác dụng sâu sắc đến đời sống xã hội.
Bài, ảnh: Song Văn