Nhà báo Lê Thị Thu Thủy, Báo Thừa Thiên Huế: 

Có nhiệm vụ là đi

Nhà báo Lê Thị Thu Thủy. Ảnh: LM

Chúng tôi được trao Giải Báo chí Hải Triều lần thứ III – đây là thành quả của cả nhóm sau một thời gian tập trung cho việc lên ý tưởng, thu thập tư liệu trên các “mặt trận” của cuộc chiến chống dịch COVID-19 và kết nối thông tin. Nhưng dù tham gia tác nghiệp ở góc độ nào, vẫn chưa thể nói hết được sự vất vả của đội ngũ y, bác sĩ, các cán bộ chiến sĩ và cả lực lượng tham gia trực chiến canh, chặn COVID-19 xâm nhập các khu dân cư ở cộng đồng.

Với riêng mình, có nhiệm vụ là đi. Nhưng cảm xúc thì nhiều cung bậc đan xen, nhất là hồi hộp và lo lắng về nguy cơ nhiễm bệnh ở thời điểm chưa được tiêm vắc-xin. Nhưng có điều chắc chắn là chưa bao giờ đắn đo, chần chừ vì nơi mình sắp đến có F0 hay nguy cơ có F0. Có tình huống, nhận được cuộc gọi là đi luôn, không kịp sạc pin cho đầy điện thoại. Có cuộc, đi từ đầu hôm đến 1, 2 giờ sáng. Có cuộc, ra tận phao số 0 nơi trùng khơi. Còn nhớ trong lần được theo các bác sĩ của Trung tâm cấp cứu 115 đón một F0 từ thị trấn Phú Lộc về Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 ở Phong Điền. Chỉ 1 F0, nhưng đoàn phải xuất phát tại Trung tâm cấp cứu 115 từ khi nhá nhem tối cho đến gần 2 giờ sáng mới kết thúc. Trong nhóm nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ đêm đó, có người đáng ra được nghỉ vì chưa đến phiên trực, có người lại vừa kết thúc phiên trực lúc 4 giờ sáng chưa kịp nghỉ ngơi. Cứ vậy, với bản thân, sự vất vả, nhọc nhằn của mình chỉ là một phần rất, rất nhỏ so với những gian nan, khó khăn của các lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch COVID-19. Nhất là khi họ còn phải triền miên giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác làm việc trong các bộ bảo hộ xanh, trắng cồng kềnh và vô cùng bức bối, bất tiện.

Dịch COVID-19 đang được kiểm soát nên việc đưa tin tuyên truyền về cuộc chiến phòng, chống COVID-19 cũng dần trở lại trạng thái bình thường mới và ít nguy hiểm hơn trước nhiều. Nhưng mình và rất nhiều bạn phóng viên khác, một khi đã trải qua những ngày tác nghiệp trong các mùa dịch cao điểm của COVID-19, thì đó sẽ là những ngày không thể quên. Không ai muốn, nhưng ít nhiều đó cũng là “chiến trường” để rèn giũa bước chân, tinh thần của mỗi người làm báo. Và chắc chắn, đó sẽ là những kinh nghiệm vô cùng quý báu để mỗi người có thể tự tin tác nghiệp trên nhiều mặt trận cũng khó khăn và nguy hiểm không kém như đối với COVID-19.

Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung, Cán bộ Đội Tuyên truyền - Thi đua khen thưởng, Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị - Công an tỉnh:

Chiến sĩ làm báo “đa zi năng”

Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung. Ảnh: NVCC

Mỗi khi tự nói về mình, chúng tôi thường cười và bảo “chúng ta là những nhà báo không thẻ”; tuy nhiên không vì thế mà mỗi cán bộ làm công tác tuyên truyền trong lực lượng Công an như chúng tôi bớt yêu “nghề”.

Do đặc thù công tác đòi hỏi những chiến sĩ CAND làm báo như tôi phải “đa zi năng”. Mỗi năm chúng tôi thực hiện hàng trăm tác phẩm từ thể loại truyền hình, đến phát thanh, báo viết, phải có kỹ năng thu âm, chụp ảnh, dựng hình, một số đồng chí có năng khiếu thì kiêm nhiệm thêm công tác phát thanh viên, dẫn chương trình cho các chuyên mục, chuyên đề của Công an tỉnh và rất nhiều công việc khác.

Mỗi tin, bài, phóng sự thực hiện, chúng tôi luôn mong muốn có tác động tích cực đến nhận thức và hành động của người tiếp nhận. Đặc biệt, là một “nhà báo” Công an, hơn ai hết, chúng tôi hy vọng thông qua ngòi bút của mình để làm cầu nối, đưa hình ảnh người chiến sĩ Công an đến gần với người dân hơn.

Gần 8 năm làm công tác tuyên truyền, tôi tự thấy nghiệp viết đã vận vào thân, không cầm bút là không chịu được, thấy sự kiện vấn đề mà không ghi lại và phản ánh kịp thời là trăn trở. Việc phải thức đến 2-3h sáng hay bật dậy lúc nửa đêm chỉ vì tác phẩm còn dở dang là điều rất thường tình. Công việc tuy có khó khăn, vất vả nhưng những giá trị mà tôi và đồng đội nhận lại được là rất nhiều.

Thiếu tá Trần Tình, Nhân viên Tuyên truyền, Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

Tỉ mỉ trong từng thước phim để có hình ảnh chân thực

Thiếu tá Trần Tình. Ảnh: NVCC​

Sau 33 năm nhập ngũ, tôi có 30 năm công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và 27 năm làm công tác tuyên truyền. Tôi được chứng kiến cơn đại hồng thủy tàn phá mảnh đất Thừa Thiên Huế năm 1999, bão lụt nhấn chìm dải đất miền Trung năm 2010 hay trận sạt lở đất tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 năm 2020… Có mặt tại “điểm nóng”, dầm mình trong mưa lũ, chúng tôi quay lại những thước phim chân thực về việc làm của cán bộ, chiến sĩ và bà con Nhân dân để kịp thời chuyển tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhớ cơn đại hồng thủy năm 1999, hàng tháng trời lực lượng vũ trang tỉnh đi giúp bà con ở địa bàn này đến khu vực khác, di dời người dân đến nơi an toàn; cứu trợ lương thực, thực phẩm; sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, gia cố hệ thống kênh mương. Hay trong đại dịch COVID-19, chúng tôi thức trắng đêm để ghi lại những hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ, đội ngũ y, bác sĩ đón tiếp bà con từ các vùng dịch trở về tránh dịch. Vụ sạt lở Rào Trăng 3, qua 7 giai đoạn tìm kiếm hết sức khó khăn, gian khổ và nguy hiểm đến tính mạng, nhưng để có được những khuôn hình đẹp trong tác phẩm truyền hình, chúng tôi bám sát cơ sở, cố gắng nỗ lực học hỏi kinh nghiệm, tỉ mỉ trong từng thước phim và cảnh quay, để mang đến những hình ảnh chân thực nhất, sống động nhất.

Chúng tôi rất vui khi những tác phẩm của mình được vinh danh đạt Huy chương vàng, Huy chương bạc trong Liên hoan truyền hình toàn quân cùng nhiều giải thưởng báo chí Trung ương, địa phương trao tặng. Đây là thành quả lao động sáng tạo nghề nghiệp, vừa là “chất men” khơi nguồn cảm hứng để những người lính tuyên truyền chúng tôi tiếp tục nuôi dưỡng đam mê, có thêm động lực để đầu tư nhiều hơn cho “những đứa con tinh thần” của mình, thấy rõ hơn trách nhiệm với nghề, với cộng đồng xã hội.

LIÊN MINH (Thực hiện)