Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong trong cuộc họp báo ngày 21/6/2022. Ảnh: CNA
Trong một thông cáo báo chí, Bộ Tài chính Singapore (MOF) cho biết cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và các hạn chế vì COVID-19 vẫn đang tiếp diễn ở nhiều nơi trên thế giới đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, dẫn đến giá năng lượng và lương thực tăng cao.
Lạm phát cơ bản của Singapore đã tăng lên mức cao nhất trong 10 năm là 2,9% vào tháng 3 và tiếp tục tăng lên 3,3% trong tháng 4 vừa qua.
Giá năng lượng và thực phẩm đã tăng mạnh và nhiều khả năng lạm phát toàn cầu sẽ còn ở mức cao trong một thời gian nữa, thậm chí sẽ còn tăng thêm trước khi ổn định và tốt hơn, Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cho biết tại cuộc họp báo ngày 21/6.
“Tình hình lạm phát cuối cùng cũng sẽ ổn định, cả trên toàn cầu và ở Singapore. Nhưng hiện tại, dự kiến giá sẽ còn tăng trong những tháng tới… Đặc biệt, giá năng lượng có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian còn lại của năm”, Phó Thủ tướng Wong nói.
Theo ông, đây chính là những lý do khiến Chính phủ Singapotre quyết định tung ra gói hỗ trợ mới này. Được biết, gói hỗ trợ trị giá 1,5 tỷ SGD nghiêng về việc giúp đỡ các nhóm thu nhập thấp và dễ bị tổn thương vì “họ là những người chịu tác động không cân xứng bởi tác động của lạm phát”. Đồng thời, Phó Thủ tướng Wong cho biết một lý do nữa cho các biện pháp có mục tiêu lần này là để kích thích tài khóa, khẳng định gói được “thiết kế cẩn thận” để không làm tăng thêm lạm phát ở Singapore.
Nhiều biện pháp hỗ trợ
Cụ thể, công dân Singapore đủ điều kiện sẽ nhận được Phiếu giảm thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) thanh toán bằng tiền mặt lên đến 300 SGD vào tháng 8/2022. Gói này cũng sẽ cung cấp một khoản hỗ trợ giảm giá 100 SGD khi thanh toán các khoản tiện tích như tiền điện, nước, gas… cho mỗi hộ gia đình Singapore và tăng cường thêm nhiều trợ giúp cho các công ty địa phương, cùng với các biện pháp khác.
Chính phủ Singapore ước tính gói hỗ trợ này sẽ mang lại lợi ích cho khoảng 1,5 triệu người có thu nhập trung bình và thấp, cũng như những người về hưu không có thu nhập.
Mức trợ cấp và mức trần lương hưu hàng tháng cho những người hưu trí có mức lương hưu thấp cũng sẽ được tăng thêm 30 SGD mỗi người.
Ứớc tính gói hỗ trợ này sẽ mang lại lợi ích cho khoảng 1,5 triệu người Singapore có thu nhập trung bình và thấp. Ảnh: AFP/TTXVN
Với doanh nghiệp và công nhân, Chính phủ Singapore sẽ hỗ trợ chi trả 75% cho các mức tăng lương đủ điều kiện trong năm nay (tăng từ mức 50% trước đây) đối với các lao động có mức lương tối đa 2.500 SGD/tháng, và hỗ trợ 45% mức tăng lương (thay vì 30%) đối với các lao động có mức lương từ 2.500 – 3.000 SGD/tháng.
Ngoài ra, cũng sẽ có một khoản trợ cấp năng lượng mới để cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm, sản xuất thực phẩm và bán lẻ với hỗ trợ lên tới 70% khi các doanh nghiệp này áp dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, giúp làm giảm chi phí kinh doanh đang tăng nhanh do giá năng lượng tăng cao.
Song song đó, Chương trình Tài trợ Doanh nghiệp - Khoản vay Thương mại cũng sẽ được tăng cường để hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương có lo ngại về dòng tiền. Hạn ngạch khoản vay tối đa sẽ được tăng từ 5 triệu SGD lên 10 triệu SGD từ ngày 1/7 đến ngày 31/3/2023 và chính phủ sẽ tiếp tục chịu mức chia sẻ rủi ro 70% cho chương trình trong giai đoạn này.
Không vượt kế hoạch chi tiêu ngân sách
Tuy nhiên, Chính phủ Singapore cho biết gói này vẫn nằm trong kế hoạch chi tiêu ngân sách 2022 và sẽ không có chuyện giảm dự trữ quốc gia để tài trợ cho gói hỗ trợ nói trên, một phần là do Chính phủ đã thu được doanh thu cao hơn trong năm tài chính 2021 nhờ kinh tế phục hồi mạnh hơn dự kiến, trong khi chi tiêu cho các biện pháp phòng chống COVID-19 lại thấp hơn ước tính.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Wong khẳng định sẽ không có khoản ngân sách bổ sung nào vào thời điểm hiện , “thay vào đó, các bộ sẽ tái ưu tiên trong phạm vi ngân sách hiện có để tài trợ cho gói này”.
“Chúng tôi đã hành động sớm hơn hầu hết các ngân hàng trung ương trong việc giải quyết lạm phát và chính sách tiền tệ, và chúng tôi có các nguồn lực tài chính để giúp người dân Singapore vượt qua đợt sóng giá cả tăng cao, cũng như bất kỳ cuộc khủng hoảng tiềm ẩn nào có thể xảy ra”, Phó Thủ tướng Wong nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng những thách thức trước mắt không chỉ là lạm phát, mà còn là việc thích ứng với những thay đổi cơ cấu lớn trong môi trường hoạt động, như sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và biến đổi khí hậu, gia tăng tranh chấp và căng thẳng địa chính trị, và thế giới nguy cơ phân rẽ nhiều hơn.
“Vì vậy, về cơ bản chúng ta phải tái cấu trúc và chuyển mình vì thế giới mới này, một thế giới có thể bất trắc, biến động và thậm chí nguy hiểm hơn trước”, Phó Thủ tướng Wong nói.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CNA & Straitstimes)