Thông qua lễ hội, các sản phẩm của các cơ sở kinh doanh có cơ hội tiếp cận được nhiều thị trường khách

Hưởng lợi từ lễ hội

Thông tin từ ngành du lịch, trong 6 tháng đầu năm 2022, du lịch có bước phục hồi mạnh mẽ, nhất là từ khi thực hiện việc mở cửa hoàn toàn đón khách và phục hồi, kích cầu du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Hoạt động du lịch khởi sắc, điều này được đánh giá có sự tác động không nhỏ từ các hoạt động du lịch lễ hội, văn hóa đặc sắc trong khuôn khổ lễ hội bốn mùa. Trong 6 tháng đầu năm, tổng thu từ du lịch ước đạt 1.119 tỷ đồng, tăng 20,8% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, qua phân tích đánh giá từ nhiều dữ liệu, trong các tác động tích cực giúp thu hút khách đến Huế thời gian qua chính là các sự kiện, lễ hội được tổ chức thường xuyên, có tính định kỳ. Các lễ hội không chỉ giúp các loại hình nghệ thuật, văn hóa đặc trưng của Huế được quảng bá, giới thiệu mà giúp các hộ kinh doanh, cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch có thêm cơ hội để phát triển, mở rộng sản xuất. Các cơ sở lưu trú thu hút khách, nguồn lao động cần trong lĩnh vực du lịch tiếp tục tăng lên theo từng ngày.

Người dân phục vụ du khách khi đến với phiên chợ "Hương xưa làng cổ" ở Phước Tích

“Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, khi lượng khách du lịch tăng sẽ kéo theo chuỗi các dịch vụ có cơ hội phục hồi. Như các ngành chăn nuôi, trồng trọt cũng đã có đầu ra ổn định hơn. Với nhiều người dân, tiểu thương, người lái xích lô, xe khách, người bán hàng lưu niệm… cũng đã từng bước hưởng lợi từ việc du khách đến Huế tăng. Không những thế, mỗi lần lễ hội tổ chức, người dân trong tỉnh cũng di chuyển đi chơi nhiều hơn. Qua đó, kích thích tiêu dùng, tăng thu nhập cho người dân”, ông Phúc phân tích.

Tại làng cổ Phước Tích, sau khi trở lại trạng thái bình thường, đã diễn ra hai phiên chợ “Hương xưa làng cổ”. Mỗi lần phiên chợ diễn ra đã thu hút hàng ngàn du khách khắp nơi trong huyện và khách du lịch đến vui chơi, tìm hiểu văn hóa, thưởng thức ẩm thực làng quê dân dã. Theo Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Phước Tích, xét về hiệu quả kinh tế sau hai lần tổ chức cho thấy khả quan bước đầu. Điều quan trọng hơn là giúp ban quản lý định hình khung tổ chức, thời gian phù hợp; người dân của làng cũng đã bắt đầu hứng khởi với việc phục vụ khách trong dịp lễ hội diễn ra.

Có lẽ hưởng lợi nhiều nhất từ việc lễ hội tổ chức thường xuyên là những những doanh nghiệp trẻ, đang trên đường xây dựng thương hiệu cho mình, tìm một vị trí trên thị trường. Chị Phạm Thị Diệu Huyền, Công ty TNHH Mộc Truly Hue’s cho hay, cứ nghĩ sẽ không có nhiều hiệu quả, nhưng qua những lần tham gia lễ hội đã giúp quảng bá, giới thiệu sản phẩm rất tốt. Minh chứng là doanh số của cơ sở tăng khá cao. Nhiều khách sau khi khách tham gia lễ hội và mua sản phẩm, sau đó họ tìm đến cơ sở chính để mua với số lượng lớn hơn; trong đó, nhiều du khách đã lựa chọn để mua làm quà khi đến Huế du lịch.

Chị Nguyễn Thiên Trúc, chủ một cơ sở kinh doanh sữa hạt trên địa bàn TP. Huế chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ của các đơn vị mà cơ sở được hai lần tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại Ngày hội ẩm thực trong tháng 4 và Ngày hội sen Huế trong tháng 6. Hiệu ứng là rất tốt, nhiều người đã biết đến sản phẩm. Khi tham gia, khách hàng tin tưởng vào sản nhiều hơn. Với một cơ sở nhỏ, mới được thành lập 3 năm thì đây là sự hỗ trợ xây dựng thương hiệu không gì bằng.

Điều chỉnh sao cho phù hợp nhất

Vẫn còn đó những dấu hỏi về tính hiệu quả, giữa kinh phí tổ chức và những nguồn thu trở lại từ du lịch, dịch vụ khi lễ hội được tổ chức. Song có một điều được khẳng định, thương hiệu về một thành phố lễ hội dần in đậm hơn đối với du khách và bạn bè khắp nơi.

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp Hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đánh giá, cách tiếp cận lễ hội của Huế từ tập trung vào một vài thời điểm sang quanh năm cho thấy sự đúng đắn. Việc sắp xếp lại một số hoạt động vào các thời điểm khác nhau trong năm, một mặt vừa giảm tải cho tuần lễ cao điểm, mặt khác sẽ tạo điều kiện giới thiệu rõ nét hơn các lễ hội mang sắc thái riêng của văn hóa Huế; vừa tạo thêm sản phẩm du lịch lễ hội phục vụ du khách và công chúng. Như ở lĩnh vục ẩm thực, sẽ có nhiều nhiều lễ hội tổ chức quanh năm theo các mùa, khi đó mới khẳng định “Huế là kinh đô ẩm thực” được.

Ở khía cạnh của doanh nghiệp, có thể thấy đã tiếp cận được nhiều thị trường khách thông qua lễ hội. Bên cạnh đó, khi tham gia lễ hội, các sản phẩm đòi hỏi phải có quy chuẩn chất lượng. Theo các doanh nghiệp, họ phải đảm bảo tối đa các quy định trong kinh doanh. Mạnh dạn đầu tư thêm kinh phí để mở rộng quy mô, mở rộng sản xuất và dám nghĩ đến một tương lai phát triển lớn mạnh hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá, trước những thay đổi của xu hướng phát triển, phải đáp ứng được nhu cầu của du khách, việc tổ chức lễ hội theo bốn mùa là rất cần thiết. Một thành phố festival thì các hoạt động lễ hội sẽ được diễn ra liên tục và mô hình festival bốn mùa là sự khởi động bước đầu. Chính vì vậy, phương thức tổ chức Festival Huế 2022 có sự đổi mới cách tiếp cận, đó là không tập trung dồn nén các hoạt động, lễ hội diễn ra trong một thời gian ngắn như trước, mà tổ chức xuyên quanh năm. Tất nhiên, để đánh giá hiệu quả ngay từ bây giờ là chưa thể, song lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan thay đổi, điều chỉnh liên tục để phù hợp, làm sao đó xây dựng được một hình thái tổ chức, hiệu quả; thu hút khách du lịch nhất có thể.

Theo các chuyên gia, đỉnh cao của lễ hội là khi người dân trở thành chủ thể, là hồn cốt mỗi khi lễ hội tổ chức. Do đó, qua mỗi lần tổ chức sự tham gia của người dân cần được nhân rộng hơn. Song hành với đó là sự tham gia hỗ trợ của các doanh nghiệp, giảm gánh nặng cho ngân sách; đồng thời giúp những doanh nghiệp nhỏ, tạo ra sân chơi, tiếp cận với khách hàng tiềm năng.

Bài, ảnh: Quang Sang