Đoàn công tác số 4 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm việc với Ban Cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rõ phải kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), (khóa XII) bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Trong các nhiệm vụ, giải pháp công tác xây dựng Đảng của nhiệm kỳ XIII, Đảng ta yêu cầu phải đấu tranh mạnh mẽ, có hiệu quả với một số biểu hiện suy thoái, bệnh quan liêu, bè phái, “lợi ích nhóm,” thờ ơ, vô cảm, lối sống cơ hội, thực dụng, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ...; quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.

Loại bỏ trở lực phát triển

Trong cuộc sống, những hành vi tiêu cực vẫn luôn xuất hiện và tồn tại. Hành vi tiêu cực gây ra những tác hại khôn lường, là trở lực lớn ngăn cản sự phát triển của đất nước, gây ra những thiệt hại lớn đối với tài sản của Nhà nước, xã hội, tập thể và công dân.

Hành vi này xâm phạm, làm đảo lộn những chuẩn mực đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo ra bất bình đẳng và mâu thuẫn xã hội. Hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của chính cơ quan, tổ chức nơi công tác; làm tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; từ đó dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, gây mất ổn định chính trị, xã hội... Đây là điều nhức nhối, đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh mẽ để đấu tranh phòng, chống tiêu cực thời gian tới.

Tổng kết công tác xây dựng Đảng của nhiệm kỳ XII, Nghị quyết Đại hội XIII đã chỉ ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên hiện nay.

Đảng ta chỉ rõ một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, dính vào các tệ nạn xã hội như đánh bạc, rượu chè bê tha, quan hệ nam nữ bất chính...

Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, cả đương chức và đã nghỉ hưu, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, còn biểu hiện “đặc quyền, đặc lợi;” có tài sản bất minh, gây bức xúc trong nhân dân.

Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý.

Công cụ thiết yếu để chống tiêu cực

Thời gian qua, đặc biệt là nhiệm kỳ XII và đầu nhiệm kỳ khóa XIII, Đảng, Nhà nước rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành khá toàn diện các quy định để phòng, chống tiêu cực. Đây chính là những công cụ chủ lực để đánh mạnh vào tiêu cực, ngăn chặn suy thoái trong cán bộ, đảng viên.

Nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã được ban hành để lãnh đạo, triển khai toàn diện, đồng bộ các mặt công tác xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng, trong đó có nhiều văn bản có nội dung liên quan đến phòng, chống tiêu cực.

Cụ thể như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về công tác cán bộ; Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng; Quy định số 47-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định những điều đảng viên không được làm; Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kỷ luật đảng viên vi phạm...

Cùng với đó, nhiều văn bản quy định, nhiều luật quan trọng liên quan đến phòng, chống tiêu cực đã được ban hành như Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng và nhiều văn bản dưới luật có liên quan đến công tác cán bộ và xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm; Luật Tố cáo; Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Trong một số luật chuyên ngành như Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu... cũng có các quy định nhằm phòng ngừa việc cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, tiêu cực, vụ lợi. Đây là cơ sở chính trị-pháp lý quan trọng để các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện công tác phòng, chống tiêu cực.

Việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái.

Đặc biệt trong thời gian qua, việc chủ động công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý thông tin báo chí nêu về các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng; cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm, dư luận quan tâm, giúp định hướng dư luận xã hội và cũng thể hiện sự công khai, minh bạch của Đảng, Nhà nước trong xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Mài cho sáng, luyện cho trong

Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên là một nội dung quan trọng trong xây dựng Đảng về đạo đức đã được Đảng đã xác định tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII.

Điều đó có nghĩa, người cán bộ, đảng viên phải có ý thức tự giác chủ động trong việc tu dưỡng, rèn luyện về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, nâng cao trình độ, năng lực phục vụ nhiệm vụ chính trị của cơ quan, địa phương, đơn vị. Đây là yêu cầu phải coi tu dưỡng, rèn luyện đạo đức như “rửa mặt hàng ngày” trong mỗi cán bộ, đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải ở trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, ra sức tu dưỡng, rèn luyện để không ngừng nâng cao trình độ nhận thức, trở thành những con người có văn hóa, có liêm sỉ."

Trong cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu: “Nêu cao tinh thần tự giác, tu dưỡng rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.”

Đây là một biện pháp để tăng cường và nâng cao hiệu quả xây dựng Đảng về đạo đức, đồng thời là một phương thức để cán bộ lãnh đạo, quản lý thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, góp phần lan tỏa trong nhận thức và hành động của đảng viên, cán bộ, công chức trong cả hệ thống chính trị.

Tại Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đã quy định 8 nội dung mà cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu, trong đó có trách nhiệm “Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành.”

Trách nhiệm nêu gương là bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên. Bằng nhiều phương thức, người cán bộ, đảng viên phải thực hành nêu gương về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, lề lối làm việc, tác phong công tác, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, là những tấm gương sáng để tạo dựng, củng cố lòng tin của nhân dân.

Kết quả thực hiện trách nhiệm nêu gương phụ thuộc rất lớn vào phương thức thực hiện, trong đó tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ lãnh đạo, quản lý là một phương thức hữu hiệu.

Với sự thống nhất, đồng bộ từ trung ương tới các địa phương, việc xác định rõ và kiên quyết loại bỏ từ gốc những biểu hiện, hành vi tiêu cực, sẽ ngăn chặn được mầm mống của tham nhũng, qua đó góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Theo Vietnam+