Các ngân hàng đang đẩy mạng triển khai gói hỗ trợ lãi suất

Đúng là như vậy, “cảnh báo” về việc trục lợi chính sách cũng không thừa. Nhìn lại trong quá khứ, chúng ta thấy rằng, rất nhiều chính sách của Nhà nước ra đời để hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế bị trục lợi. Ví dụ như chính sách hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT). Chính sách này ra đời là nhằm khuyến khích và hỗ trợ hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Thế nhưng, cũng đồng thời ngay lập tức nhiều doanh nghiệp (DN) lợi dụng. Bằng cách, thành lập DN để mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; kê khai, nâng khống hàng hóa xuất khẩu để được hoàn thuế GTGT… gây thất thu ngân sách. Nhiều chính sách xã hội hỗ trợ cho người dân cũng vậy. Khi triển khai không ít nơi bị phát hiện sai trái, khi thì nâng khống số lượng, khi thì không đúng đối tượng hưởng thụ…

Ở Thừa Thiên Huế, mới đây nhất là vụ di dời mồ mả để làm khu tái định cư Hương Sơ. Công tác kê khai, đền bù bị trục lợi và có nhiều vị đã dính vòng lao lý. Chúng ta nhìn vào thực tế thì thấy việc trục lợi hình như rất dễ xảy ra. Ví dụ như chúng ta thực hiện chính sách thu hút đầu tư. Chính sách thu hút đầu tư của tỉnh là với mong muốn thu hút những nhà đầu tư chân chính, có năng lực để tạo ra hàng hóa thật, dịch vụ thật để giải quyết công ăn việc làm cho người dân; tạo điều kiện phát triển kinh tế và tăng thu ngân sách. Nhưng ở đâu đó, trong những thời điểm nào đó cũng đã xuất hiện hiện tượng “xí phần”, buôn bán dự án; tất nhiên là thời điểm trước đây…

Trở lại gói HTLS 42.000 tỷ của Chính phủ, đây là một gói hỗ trợ hết sức lớn nhằm kích thích phát triển kinh tế. Đối tượng được hưởng lợi rất rộng, bao gồm 9 lĩnh vực. Chúng ta hình dung độ phức tạp khi triển khai cũng tăng lên. Hiểu cụ thể chung về chính sách này là các DN (gọi chung là các tổ chức kinh tế) phải hội đủ điều kiện theo quy định mới được giải ngân. Khi giải ngân thì DN được hỗ trợ 2% lãi suất. Thời gian được hưởng chính sách là từ đầu năm 2022 và kết thúc là cuối năm 2023. Chính vì vậy, triển khai càng nhanh thì DN càng được hưởng lợi nhiều. Điều này cũng đồng nghĩa gói hỗ trợ thực hiện đúng mục đích và phát huy hiệu quả.

Thế nhưng, theo thông tin từ ông Phạm Bá Nam (trong cuộc phỏng vấn nói trên cho biết) đến thời điểm này, có một số ngân hàng thương mại “bước đầu hướng dẫn DN thực hiện các hồ sơ hỗ trợ theo quy định”. Có thể hiểu chưa có DN nào tiếp cận được gói hỗ trợ này? Như vậy, thời gian hưởng lợi chỉ còn khoảng một năm rưỡi.

Thận trọng để tránh trục lợi chính sách là cần thiết. Nhưng nếu quá thận trọng có thể chính sách này không đi vào đời sống, nghĩa là không đạt mục tiêu đề ra.

Trong 9 lĩnh vực hỗ trợ có lĩnh vực du lịch. Du lịch dịch vụ là một thế mạnh kinh tế của Thừa Thiên Huế nhưng hai năm qua, hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch. Trong điều kiện đó, chúng ta có thể hình dung nhiều DN ở lĩnh vực này “khát” vốn nhưng cũng sẽ không dễ dàng đáp ứng các điều kiện vay, chẳng hạn như tài sản thế chấp, số dư nợ quá hạn... Cho nên, về mặt lý thuyết, chúng ta phải xác định chấp nhận một mức độ rủi ro nào đó có thể xảy ra. Vì chính sách và thực tiễn không bao giờ trùng khít lên nhau. Đặt vấn đề như vậy để khi triển khai, chúng ta sẽ có cái nhìn sát với thực tế để điều chỉnh cho phù hợp. Có một nhà kinh tế nào đó đã nói, nếu chúng ta tuyệt đối hóa cái đúng, cũng có nghĩa là chúng ta đã tuyệt đối hóa cái sai. Cái sai ở đây là chính sách không đi vào đời sống.

Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: HOÀNG LOAN