Bị cáo Nguyễn Đức Chung nghe tòa tuyên án. Ảnh: Tuổi trẻ
Soi vào vụ án của ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thì thấy, cái giá của sự tự do, mong muốn tự do được quy đổi rất nhiều tiền. Cụ thể ở đây, ông Chung phải khắc phục hậu quả trả lại cho ngân sách đủ 25 tỷ đồng để được giảm án 3 năm tù. Phải trả rất nhiều tiền nhưng cũng không được tự do trọn vẹn, phải lĩnh án 5 năm tù. Đúng là “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.
Tự do là một phạm trù đương nhiên đối với con người. Cho nên, gần như ai cũng thực hiện được quyền tự do của mình. Trừ một số người không được tự do, như ông Nguyễn Đức Chung chẳng hạn, ít nhất là trong 5 năm. Nhưng rồi sau 5 năm mãn hạn tù, liệu ông có được tự do trong tâm hồn, tự do giao tiếp với mọi người, tự do trong cách nghĩ, tự do kinh doanh làm ăn sinh sống… lại là một chuyện khác nữa! Chưa hẳn những điều này nó sẽ kết thúc sau 5 năm. Đây chính là điều mọi công dân bình thường chúng ta phải thường xuyên tự vấn – làm sao để được tự do, làm thế nào để khỏi mất tự do?
Tôi biết tường tận một trường hợp không phải mất tự do mà mất tự tin. Xét ở một khía cạnh nào đó dường như cũng mất một phần tự do! Số là trong quá trình lãnh đạo, anh gây thất thoát ngân sách khoảng vài trăm triệu. Cũng giống như trường hợp của nhiều người vi phạm quản lý kinh tế thường làm – khi bị phát hiện, buộc phải khắc phục hậu quả, tức là buộc phải nộp lại tiền cho ngân sách. Có lẽ chưa đến mức xử lý nặng hơn nên anh vẫn còn tại vị. Nhưng từ đấy, cũng là thời điểm anh mất “một phần tự do” - đó là thiếu tự tin. Một người không tự tin là sao có được tự do tuyệt đối?
Để nói rằng, để có được tự do, thứ rõ ràng nhất là chúng ta đừng để vi phạm pháp luật. Mọi hành vi phải được soi xét để làm đúng. Chúng ta làm điều này có vi phạm pháp luật hay không? Chúng ta làm điều này có ảnh hưởng đến người khác, đến xã hội hay không? Ví dụ, trên đường đi, có những người lái xe quá tốc độ, đánh võng, lạng lách (nhiều nhất là thanh niên) … họ thừa biết hành vi ấy là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn làm. Thực hiện hành vi này họ có thể dẫn đến mất tự do nếu gây ra một hậu quả nghiêm trọng nào đó. Hành vi của họ chẳng những ảnh hưởng đến cuộc sống của họ mà cố thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác, của xã hội. Cái chính ở đây là phải luôn luôn suy xét hành vi của mình – điều gì nên làm, điều gì không nên làm. Những câu hỏi như vậy rất cần cho mọi người.
Không vi phạm pháp luật để được tự do chỉ là một khía cạnh, còn nhiều khía cạnh khác để được tự do. Ví dụ như tự tin. Không tự tin chúng ta rất dễ bị phụ thuộc. Đã phụ thuộc một điều nào đó, một người nào đó thì rất dễ dẫn đến không tự do. Nhưng làm thế nào để có tự tin? Học hành để nâng cao sự hiểu biết cũng là một cách. Rèn luyện đức tính, cách sống, hành vi để nhận được sự tôn trọng của mọi người, cũng là một cách…
Khi chúng ta tự do, chúng ta có thể ít nghĩ về nó. Nhưng khi đối diện với sự mất tự do chúng ta sẽ khao khát nó. Và lúc ấy, có thể mọi thứ tiền bạc chẳng là gì ? Như trường hợp của ông Nguyễn Đức Chung nộp lại 10 tỷ để mong muốn khắc phục hậu quả. Rồi ông phải nộp tiếp 15 tỷ nữa để khắc phục hậu quả hoàn toàn và đổi lại 3 năm giảm án tù.
Nguyên Lê