Xi măng Đồng Lâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ trong công tác quản lý, sản xuất kinh doanh

Ông Nguyễn Hữu Chi, Giám đốc Bộ phận Kỹ thuật sản xuất và Nghiên cứu phát triển của Công ty CP Xi măng Đồng Lâm, chia sẻ: Nhiều năm qua, các sáng kiến, cải tiến và ứng dụng tiến bộ KHCN mới đã được thực hiện ở Đồng Lâm. Có thể kể đến như đầu tư cải tiến hệ thống tận dụng nguồn nhiệt thải để sấy máy nghiền xi măng thay thế nhiệt từ buồng đốt phụ giảm tiêu hao dầu DO, nâng cao hiệu quả sản xuất; cải tiến, nâng cấp hệ thống thiết bị, phần mềm phối liệu tự động thông qua thiết bị phân tích trực tuyến và định lượng nhằm ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí nhân lực.

Công ty còn thành công trong việc nghiên cứu nâng cao đặc tính sử dụng xi măng cho vữa/hỗn hợp bê tông; thực hiện nhiều giải pháp hợp lý hóa, tối ưu hóa vận hành, sử dụng vật liệu chịu lửa cho thiết bị hoạt động với năng suất cao, đạt và vượt năng suất thiết kế, giảm phát thải NOX (oxyde nitơ) trong khí thải lò nung…

Đến nay, nhà máy đã đầu tư đầy đủ cả 2 công nghệ nghiền, giúp đa dạng hóa đặc tính sản phẩm, đáp ứng tốt mọi nhu cầu của khách hàng. Để nâng cao tự động hóa trong sản xuất, giảm sức lao động, thuận tiện trong giao nhận, Đồng Lâm thực hiện đầu tư, đổi mới công nghệ một số hạng mục, trong số đó đầu tiên phải kể đến là hệ thống nạp vỏ bao và đóng bao tự động do hãng Haver & Boecker của Đức cung cấp. Hoạt động nạp vỏ bao vào vòi phun máy đóng bao và đóng bao xuất xi măng ra phương tiện là hoàn toàn tự động. Công nhân chỉ bố trí vỏ bao lên khay và giám sát dây chuyền thiết bị hoạt động. Việc đổi mới này góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất xuất hàng, tăng thẩm mỹ bao xi măng thành phẩm.

Đồng Lâm đầu tư hệ thống xuất hàng tự động với giải pháp tự động hóa trong quy trình xuất nhập hàng, cho phép việc giao nhận được xử lý tự động qua tất cả các khâu. Hệ thống giao nhận là một chuỗi khép kín các nghiệp vụ được xử lý tự động từ lúc xe vào nhà máy đăng ký nhận hàng đến khi rời khỏi nhà máy. Nhờ ứng dụng hệ thống quản lý xuất nhập hàng này, nhà máy đã kiểm soát chính xác sản lượng xuất hàng, tiết kiệm thời gian giao nhận và nhân lực xử lý thông tin đơn hàng, và đặc biệt cung cấp cho các bộ phận chức năng công cụ báo cáo sản lượng chính xác, kịp thời, góp phần nâng cao việc quản lý điều hành của các bộ phận chức năng công ty.

Đồng Lâm cũng đang triển khai hệ thống quản lý tổng thể doanh nghiệp (ERP: Enterprise Resource Planning Systems), giúp cho doanh nghiệp kiểm soát được các nguồn lực nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo lập duy trì lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Do toàn bộ thiết bị dây chuyền được vận hành với hệ thống điều khiển tự động hóa cao nên lực lượng nhân công được tiết giảm đáng kể, do máy móc ngoài chức năng chính (đập, nghiền, vận chuyển, nung đốt…) được trang bị thêm các tính năng giám sát, phân tích và tự động điều khiển đã làm thay cho con người. Đa phần nguồn nhân lực thực hiện thao tác vận hành trên máy tính, giám sát, kiểm tra máy móc hoạt động tại hiện trường, bảo trì thiết bị dây chuyền theo định kỳ.

Trên cơ sở nền tảng công nghệ, quá trình vận hành, giám sát đều được số hóa toàn bộ quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. Sử dụng thiết bị hiện đại có tự động cao, tích hợp công nghệ phân tích trực tuyến và phần mềm điều chỉnh phối liệu thông minh,… để tăng năng suất, giảm tác động của con người và nâng cao chất lượng sản phẩm; phân tích dữ liệu thu thập được về khách hàng để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với chất lượng cao.

Dây chuyền công nghệ sản xuất tại Đồng Lâm được lựa chọn thiết bị tiên tiến và hiện đại, công nghệ sản xuất xi măng lò quay theo phương pháp khô với tháp trao đổi nhiệt 5 tầng và buồng phân hủy TTF tiên tiến. Việc đưa vào vận hành hệ thống này giúp tiết kiệm năng lượng, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, ổn định và bảo vệ môi trường.

Song song với tập trung xử lý đảm bảo quy chuẩn về khí thải, chất thải rắn công nghiệp, nguy hại, ngay từ khi xây dựng nhà máy, Đồng Lâm đã đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý nước thải đồng bộ. Nhờ đó, nước thải được thu gom và chuyển đến trạm xử lý nước thải của nhà máy đảm bảo tiêu chuẩn cho phép và được tận dụng một phần để chăm sóc cây xanh.

Theo ông Nguyễn Hữu Chi, để tối ưu hóa sản xuất cũng như góp phần vào công tác bảo vệ môi trường, Đồng Lâm sẽ đẩy nhanh công tác nghiên cứu đánh giá và hoàn thiện hơn nữa các chương trình, giải pháp cải tiến nhằm đạt được mục tiêu chính trong chiến lược sản xuất xanh, phát triển bền vững.

Trong đó, nhà máy tiếp tục đẩy mạnh sử dụng nguyên liệu thay thế như tro bay, xỉ..., góp phần làm sạch môi trường và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giảm phát thải CO2. Việc tối ưu hóa và nâng cao hiệu suất sử dụng nhiệt năng, điện năng cũng được tính đến thông qua những giải pháp công nghệ, vận hành. Công ty đang trong quá trình triển khai dự án lắp đặt Hệ thống tận dụng nhiệt khí thải lò nung để phát điện và dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2023.

Tận dụng tối đa nguồn nước tháo khô mỏ

Trong chuỗi kế hoạch phát triển về công nghệ, kỹ thuật và tối ưu hóa sản xuất, Đồng Lâm triển khai tận dụng tối đa nguồn nước tháo khô mỏ từ moong khai thác đá vôi để xử lý, đưa về nhà máy tái sử dụng phục vụ cho sản xuất, góp phần giải quyết vấn đề môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Đồng thời, tiết kiệm chi phí sử dụng nguồn nước sạch đang sử dụng cho sản xuất như hiện nay.

Bài, ảnh: Hà Nguyên