Nhiều địa phương xử lý rác với công nghệ thiết bị lạc hậu

Rác thải đang là vấn đề được quan tâm nhất trong môi trường cuộc sống. Khi mức sống của người dân ngày càng nâng cao, rác thải cũng càng nhiều lên. Do vậy, ngoài việc thu gom, xử lý phải nghĩ đến thị trường tái chế, tái sử dụng rác thải, nhất chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH).

Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, việc tái chế, tái sử dụng CTRSH là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong hệ thống quản lý chất thải cũng như thực hiện các chính sách về kinh tế chất thải. Các nước phát triển  như ở châu Âu, châu Mỹ hay Hàn Quốc, Nhật Bản đã có cơ chế, chính sách thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm từ tái chế chất thải, trước tiên là khuyến khích thực hiện thông qua chương trình mua sắm công. Nhà nước và các cơ quan chính phủ sẽ là nhóm khách hàng tiêu thụ các sản phẩm này, tiếp đó là doanh nghiệp (DN), người dân. Việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tái chế là giải pháp cơ bản để thúc đẩy hoạt động tái chế chất thải. Đối với các sản phẩm tái chế đều được gắn nhãn xanh hoặc logo, biểu tượng đặc trưng giúp người tiêu dùng dễ nhận biết. Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế... sẽ giúp các sản phẩm tái chế có nhiều hơn cơ hội thâm nhập thị trường.

Việt Nam đã xuất hiện thị trường tái chế CTRSH thông qua các công ty dưới sự quản lý của các cơ quan Nhà nước. Các công ty này được cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi đáp ứng các yêu cầu về điều kiện bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh. Đến nay, ở Việt Nam đã có hơn 200 DN tái chế CTRSH nhưng đa phần đang quy mô vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Các chuyên gia quản lý lĩnh vực môi trường nhận định, để phát triển thị trường này, chất thải phải được chuyển đổi thành hàng hóa có giá trị sử dụng làm nguyên liệu đầu vào và bảo đảm yêu cầu về chất lượng tốt cho quá trình tái sử dụng. Tuy nhiên, hiện công tác phân loại CTRSH ở các địa phương; trong đó có Thừa Thiên Huế chưa triển khai đồng bộ, đáp ứng được tiêu chuẩn đầu vào làm nguyên liệu sản xuất, hay thực hiện tái chế.

Nhiều địa phương chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ mạnh cho hoạt động tái chế. Hiện nay dù đã có các văn bản quy phạm pháp luật quy định để phát triển thị trường tái chế CTRSH nhưng vẫn thiếu những cơ chế, chính sách liên kết giữa các DN, nhà sản xuất.

Để phát triển thị trường tái chế CTRSH bền vững, trước hết, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường đối với các sản phẩm tái chế, nguyên liệu tái sử dụng từ CTRSH. Các địa phương cần tập trung nghiên cứu, xây dựng hệ thống chính sách thúc đẩy hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn và xem đây là giải pháp căn bản, quan trọng đầu tiên trong thực hiện ngành công nghiệp tái chế, tái sử dụng CTRSH. Đa dạng hóa các hình thức, nguồn vốn đầu tư hỗ trợ hoạt động tái chế, tái sử dụng CTRSH; thúc đẩy nghiên cứu, áp dụng chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong hoạt động sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu tái sử dụng. Thành lập các đơn vị đầu mối có chức năng quản lý Nhà nước, thực hiện liên kết, cung cấp thông tin về thị trường sản phẩm tái chế, nguyên liệu tái sử dụng từ CTRSH. Yếu tố quan trọng nữa là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức lợi ích của sản phẩm tái chế, thay đổi thói quen của người tiêu dùng về sản phẩm tái chế, tái sử dụng...

Bài, ảnh: Song Minh