An toàn, thoải mái - yêu cầu chính đáng của khách khi đi du lịch
Sáng nay, cũng trong cử cà phê sáng, mấy người bạn làm việc ở ngành lữ hành có vẻ ưu tư:
- Huế mình phải có cảnh sát du lịch thôi, không thì hỏng!
Khi được hỏi tại sao, những người này lắc đầu vẻ chán ngán:
- Hơn 2 năm du lịch đông cứng vì đại dịch, nay mở cửa, du khách vừa mới rục rịch quay lại thì thấy lại xuất hiện những hiện tượng cũ rất… điên đầu.
- ?!!
Thấy tôi có vẻ chưa hiểu, mấy người bạn thay nhau kể: Đó là tình trạng một số “cò” phục sẵn ở đâu đó, hễ thấy xe du lịch đến là lập tức xuất hiện bám theo để chèo kéo đưa vào bãi, giới thiệu khách sạn, cửa hiệu, nhà hàng “của mình”. Nhiều anh em xích lô đã vào nghiệp đoàn, được lãnh đạo tỉnh, thành phố và các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ, vận động đã biến chuyển tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số tài xế xích lô không thay đổi, hễ thấy khách là họ cứ lằng nhằng bám theo để mời chào cho bằng được, rất khó chịu và phản cảm. Nhiều chiếc xích lô còn tự phát gắn thêm động cơ, rất không an toàn khi chở khách, chưa kể đôi lúc nổi hứng, họ lại còn kích nhau đua, lạng lách ào ào trên đường, hết sức nguy hiểm. Chưa kể còn nhiều thứ khác nữa… Tất cả khiến cho du khách cảm thấy bất an, mất thiện cảm với Huế. Du lịch vừa mới chỉ chớm phục hồi, để như vậy là chết. Và các doanh nghiệp làm du lịch như bọn tôi cũng ảnh hưởng lây… Cho nên, cần phải có cảnh sát du lịch để chuyên chấn chỉnh cho lĩnh vực này. Chứ thanh tra du lịch thì lực lượng mỏng, mà gọi công an, cảnh sát thì lực lượng ấy còn bao nhiêu việc, đôi lúc đến nơi thì việc cũng đã rồi…
Câu chuyện cảnh sát du lịch không phải bây giờ, mà đã được đặt ra từ nhiều năm trước. Xuất phát từ thực trạng có quá nhiều bất cập khiến cho du lịch Việt Nam nói chung, du lịch của từng địa phương nói riêng bị mất điểm. Trong lúc đó, người ta nhận thấy khi đi du lịch ở một số nước, những hạt sạn tương tự lại rất hiếm xảy ra. Ấy là bởi ở họ có lực lượng cảnh sát du lịch. Sự hiện diện của trạm cảnh sát du lịch tại các điểm tham quan khiến du khách an tâm; và thực tế lực lượng thường trực này phát huy tốt việc ngăn chặn và giải quyết kịp thời các tình huống xảy ra, bảo đảm quyền lợi và sự an toàn cho du khách. Tuy nhiên, khi các đề xuất về vấn đề này được nêu ra, đã có khá nhiều ý kiến bàn thảo cho rằng chưa, hoặc không cần thiết, hoặc phải cần tiếp tục cân nhắc…
Đề án Cải thiện môi trường du lịch Việt Nam từng đặt mục tiêu đến năm 2020, giảm 70% số vụ việc xâm hại tài sản, tính mạng của khách du lịch; đảm bảo ổn định giá cả dịch vụ du lịch, tăng không quá 15% các dịp cao điểm, không còn tình trạng "bắt chẹt" giá cả khi du khách tham gia giao thông và các dịch vụ du lịch (so với năm 2013)... Tuy nhiên, sau cả chục năm nỗ lực, những vụ việc gây “buồn lòng” cho du khách xem chừng vẫn “bất trị” ở nơi này, nơi khác. Cách đây gần 3 năm, Quyết định 1129/QĐ-TTg (ngày 27/7/2020) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã cho phép nghiên cứu, đề xuất mô hình thí điểm thành lập lực lượng cảnh sát du lịch tại các địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm để xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn của du khách. Thời gian đã khá dài cho những kiến nghị, đề xuất, và cũng tương đối để có thể rút kinh nghiệm từ những mô hình thí điểm. Đặc biệt, từ những bức xúc của thực tiễn hoạt động du lịch, có lẽ đã đến lúc cần có một sự đánh giá để quyết định cho thành lập lực lượng cảnh sát du lịch hoặc về một “mô thức” nào đó phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn phát triển mạnh mẽ và bền vững, nhất là sau thời gian dài phải “ngủ đông” vì đại dịch COVID-19.
Bài, ảnh: Huy Khánh