Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng vô số lần trong 4 tuần đăng ký. Ảnh: Nghiêm Huê

Những quy định mới

Theo Kế hoạch tuyển sinh 2022, thí sinh tự do sẽ được cấp tài khoản bổ sung từ ngày 12-18/7. Từ ngày 22/7 - 20/8, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Trước ngày 30/7, Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề. Trước 17h ngày 2/8, các trường ĐH công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên hệ thống của Bộ và trang thông tin điện tử của trường. Bộ GD&ĐT sẽ lọc ảo từ ngày 1 - 15/9. Sau đó các trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 trước 17h ngày 17/9. Thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống đến ngày 30/9.

Khác với những năm trước, năm nay, thí sinh phải đăng ký tất cả các phương thức xét tuyển, các nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Các chuyên gia cho rằng, với quy định này, thí sinh đặc biệt lưu ý mã ngành đăng ký đối với mỗi phương thức.

Ví dụ, Trường ĐH Y Hà Nội, ngành Y khoa có 3 phương thức xét tuyển là xét tuyển thẳng, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ngành này sẽ có hai mã xét tuyển là 7720101 (xét kết quả thi tốt nghiệp THPT) và 7720101_AP (xét kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và chứng chỉ ngoại ngữ). Những năm trước, thí sinh tham gia xét tuyển cả hai phương thức chỉ cần đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống của Bộ GD&ĐT duy nhất 1 mã là 7720101.

Đặc biệt, với quy trình tuyển sinh năm nay, thí sinh dù được công bố đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức riêng tại trường nhưng không được gọi nhập học sớm.

Đại diện nhiều trường cho biết sẽ công bố luôn kết quả trúng tuyển có điều kiện (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) cho các phương thức xét tuyển sớm. Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức nhiều đợt xét tuyển đối với phương thức xét tuyển riêng. Nhà trường đã gửi thông báo trúng tuyển đến những thí sinh đạt điều kiện cần. Tuy nhiên, trong thông báo trúng tuyển, nhà trường lưu ý thông báo trúng tuyển này là tạm thời cho đến khi thí sinh phải đáp ứng được các điều kiện phải nộp giấy xác nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 và giấy chứng nhận tạm thời (hoặc bằng tốt nghiệp THPT đối với thí sinh tự do).

Trường ĐH Công nghệ TP. HCM cũng đã hoàn tất việc xét tuyển và thông báo thí sinh đạt điều kiện cần để trúng tuyển (điều kiện đủ là thí sinh phải tốt nghiệp THPT) phương thức xét học bạ. Trường sẽ cập nhật danh sách này lên hệ thống của Bộ GD&ĐT theo quy định và thí sinh sẽ đăng ký trên cổng này trong thời gian quy định. Nếu thí sinh vẫn muốn học tại trường thì cần phải đăng ký nguyện vọng và phương thức đã xét tuyển ở vị trí cao nhất.

Tuy nhiên, một số trường quyết định không thông báo kết quả tới thí sinh thời điểm này. Trường ĐH Nông lâm TPHCM đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển các phương thức tuyển sinh riêng dựa vào kết quả học tập THPT và điểm thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TPHCM. Tuy nhiên, trường chỉ thông báo tới thí sinh về tình trạng hồ sơ hợp lệ cho từng phương thức mà không thông báo danh sách đủ điều kiện trúng tuyển có điều kiện.

Sau khi có đầy đủ các yếu tố và thông qua cuộc họp hội đồng tuyển sinh, trường mới thông báo danh sách trúng tuyển chính thức và mời nhập học. Đại diện nhà trường nói rằng, việc thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) cho phương thức xét tuyển sớm về nguyên tắc là không sai so với quy chế và giúp thí sinh an tâm hơn. Tuy nhiên, năm nay, quy chế bắt buộc thí sinh phải đăng ký lại nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT có thể dẫn đến tình trạng thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển thời điểm này sẽ không trúng tuyển chính thức sau đó.

Vẫn đồng loạt tăng học phí

Tại cuộc họp về công tác điều hành giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, chủ trì chiều 13/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, theo Nghị định 81 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí, bắt đầu từ tháng 9 của năm học 2022-2023, các cơ sở giáo dục có lộ trình tăng học phí theo quy định. Với lộ trình này, học phí bậc giáo dục mầm non công lập tăng khoảng 75%, ĐH tăng khoảng 12,5%.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, Bộ GD&ĐT nhất trí với giải pháp của Bộ Tài chính tiếp tục giữ nguyên, không tăng giá dịch vụ giáo dục năm học 2022-2023. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, với tác động của giá xăng dầu và một số mặt hàng khác cộng hưởng vào sẽ rất khó cho công tác điều hành. Cho rằng không tăng giá dịch vụ chưa phải là giải pháp cuối cùng nên Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Tài chính xem xét, trên cơ sở nguồn lực ngân sách nhà nước, có thể đề xuất tiếp tục có mức hỗ trợ phù hợp, trong một thời điểm nhất định.

Trong Đề án tuyển sinh vừa được thông báo, học phí của Trường ĐH Luật Hà Nội chính thức tăng gấp đôi đối với hệ đại trà, từ 280.000 đồng/tín chỉ lên 572.000 đồng/tín chỉ. Hệ chất lượng cao tăng từ 990.000 đồng/tín chỉ lên 1.650.000 đồng/tín chỉ. Học phí của Trường ĐH Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội năm học 2022 - 2023 đối với các chương trình đào tạo chuẩn, chất lượng cao có mức học phí cao nhất là 715.000 đồng/tín chỉ, cao hơn mức cũ 2,26 lần.

Theo tienphong.vn