Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni chủ trì lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia trong 2 ngày 25-26/2/2019. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Cách đây 55 năm, ngày 24/6/1967, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và ngày này đã đi vào lịch sử hai nước như một sự kiện trọng đại, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước, gắn bó vận mệnh của hai dân tộc láng giềng.
Dù có những thăng trầm của lịch sử và những biến cố của thời đại, quan hệ Việt Nam-Campuchia vẫn ngày càng trở nên khăng khít, bền chặt, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng vun đắp, gìn giữ, trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc.
Nền móng cho mối quan hệ ngoại giao đặc biệt giữa hai nước
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng, cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, thuộc vùng hạ lưu sông Mekong, đều có nguồn gốc nền văn minh nông nghiệp lúa nước với lịch sử lâu đời ở khu vực Đông Nam Á.
Thiên nhiên nhân hậu đã cho dòng sông Mekong chảy qua hai nước, tưới mát cho những cánh đồng lúa bát ngát dọc đôi bờ, mang cá tôm nuôi dưỡng con người, làm nên cuộc sống trù phú của nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia. Với nhiều điểm tương đồng, nhân dân hai nước là anh em gắn bó, chia ngọt, sẻ bùi, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Ngày 24/6/1967, Việt Nam và Campuchia đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là sự kiện trọng đại, đánh dấu trang sử mới trong quan hệ hai nước.
Trước đó một ngày, trong bức điện gửi tới Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk ngày 23/6/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Việc đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta là biểu hiện rực rỡ của mối tình hữu nghị thân thiết và đoàn kết chiến đấu. Đó là một sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia, một nhân tố tích cực trong việc gìn giữ hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á.”
Trên nền tảng quan hệ lịch sử lâu đời và từ cuộc đấu tranh chống thực dân, việc thiết lập quan hệ ngoại giao đã tạo nên các điều kiện thuận lợi để nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia tiếp tục sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và cùng giành thắng lợi lịch sử vào mùa Xuân năm 1975.
Vượt qua muôn vàn gian khổ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, đáng ra nhân dân hai nước phải được hưởng một cuộc sống hòa bình để dựng xây đất nước, nhưng tập đoàn Pol Pot đã phản bội dân tộc Campuchia, thực hiện chính sách diệt chủng tàn bạo, đẩy dân tộc Campuchia trước thảm họa diệt vong.
Tham vọng hơn, chúng còn phát động cuộc chiến tranh đẫm máu, xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, gây bao tội ác đối với nhân dân Việt Nam.
Đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia, đồng thời cũng để thực hiện quyền tự vệ chính đáng bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình, các chiến sỹ Quân tình nguyện Việt Nam đã không quản hy sinh, sát cánh cùng Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia tiến hành cuộc chiến tranh tự vệ thần tốc, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, đưa đến thắng lợi ngày 7/1/1979 của Cách mạng Campuchia.
Với thắng lợi lịch sử này, nhân dân Campuchia đã khép lại một trang sử đen tối, đau thương của dân tộc mình, thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc và mở ra kỷ nguyên độc lập, hoà bình, tự do và phát triển cho đất nước Campuchia, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển lên một giai đoạn mới, gắn bó, tin cậy lẫn nhau. Trải qua hơn nửa thế kỷ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, quan hệ Việt Nam-Campuchia đã và đang được củng cố và phát triển vững chắc theo phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài."
Những thành tựu mà Việt Nam và Campuchia cùng đạt được trong suốt 55 năm qua không chỉ là thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mà còn biểu hiện ở sự phát triển quan hệ trên tất cả các lĩnh vực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Hai bên duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác thông qua việc tăng cường trao đổi các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp; ký kết nhiều văn kiện hợp tác làm cơ sở cho việc phát triển hợp tác toàn diện giữa hai nước; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm.
Trên tinh thần của các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, quan hệ chính trị Việt Nam-Campuchia ngày càng được củng cố và phát triển sâu rộng. Đặc biệt, năm 2017, nhân dịp kỷ niệm “40 năm con đường cứu nước của Thủ tướng Hun Sen” và “50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia (1967-2017),” Thủ tướng Hun Sen đã sang thăm Việt Nam, bày tỏ lòng biết ơn sự hy sinh mà Việt Nam đã dành cho Campuchia và mong muốn “mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.”
Trong chuyến thăm chính thức Campuchia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào năm 2017 và năm 2019, hai bên đã ra Tuyên bố chung, trong đó khẳng định tiếp tục củng cố và tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam-Campuchia.
Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, do bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hai bên không thực hiện được các chuyến thăm trao đổi đoàn cấp cao trực tiếp, song vẫn duy trì quan hệ chính trị thông qua các kênh như các cuộc hội đàm. Hai bên phối hợp tổ chức thành công các cơ chế hợp tác song phương quan trọng.
Nổi bật là việc Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã sang Việt Nam dự cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Thongloun Sisoulith (Hà Nội, ngày 26/9/2021) và có các cuộc gặp với Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.
Gần đây nhất, chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 21 và 22/12/2021 tiếp tục phản ánh rõ quan hệ gần gũi Việt Nam-Campuchia, đồng thời là sự thể hiện đối với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về tình hữu nghị giữa hai nước.
Cùng với đó, hợp tác quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố. Hai nước đã hoàn thành phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên thực địa và đã ký 2 văn kiện pháp lý ngày 5/10/2019 ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc đã đạt được.
Ngày 22/12/2020, hai nước đã phối hợp tổ chức Lễ trao đổi Văn kiện Phê chuẩn theo hình thức trực tuyến để hai văn kiện pháp lý về biên giới chính thức có hiệu lực. Hiện hai bên đang nỗ lực đàm phán để giải quyết phân giới cắm mốc khoảng 16% đường biên giới còn lại.
Hai bên cũng tích cực tăng cường phối hợp trong các hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh và ngoại giao tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; thường xuyên thực hiện tham vấn chính trị, chia sẻ thông tin kịp thời và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ hợp tác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên Hiệp quốc và các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mekong, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia
Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước cũng không ngừng được thúc đẩy, tạo nền tảng quan trọng trong việc củng cố và phát triển quan hệ hai nước.
Hoạt động hợp tác thương mại giữa hai nước được xúc tiến tích cực bằng nhiều hoạt động của diễn đàn doanh nghiệp, hội chợ triển lãm hàng không Việt Nam tại Campuchia, mở khu kinh tế cửa khẩu; xây dựng hành lang pháp lý, kết cấu hạ tầng phục vụ thương mại ngày càng gia tăng giữa hai bên.
Việt Nam là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Campuchia. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Campuchia luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực và ổn định.
Giai đoạn 2016-2020, thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia đạt mức tăng trưởng trung bình 17%/năm, từ 2,92 tỷ USD năm 2015 lên 5,32 tỷ USD năm 2020.
Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 9,5 tỷ USD, tăng 80% so với năm 2020 và trong 5 tháng đầu năm nay đã đạt gần 5,5 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021. Hai nước đặt mục tiêu thương mại song phương đạt 10 tỷ USD trong năm 2022.
Về hợp tác đầu tư, đến nay, Việt Nam có 188 dự án đầu tư tại Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,8 tỷ USD, duy trì vị trí đứng đầu ASEAN và trong nhóm 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia, chủ yếu là các lĩnh vực nông nghiệp (chiếm gần 70% tổng vốn đăng ký), tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông…
Hiện có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn hiệu quả tại Campuchia, như Tập đoàn Viễn thông Viettel, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đóng góp tích cực vào an sinh xã hội, tăng thu ngân sách, thúc đẩy phát triển hạ tầng và tạo việc làm cho hàng vạn lao động Campuchia.
Cùng với hợp tác kinh tế, hợp tác giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là lĩnh vực được hai bên đặc biệt quan tâm. Hằng năm, Việt Nam dành cho Campuchia hàng trăm suất học bổng. Campuchia cũng dành cho phía Việt Nam 35 suất học bổng, bao gồm 15 suất học bổng đại học và sau đại học, 20 suất học bổng đào tạo ngôn ngữ, văn hóa Khơme trong hai năm qua.
Hiện có khoảng 200 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Campuchia. Ngoài ra, hai bên cũng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dạy nghề thông qua việc tổ chức các hoạt động phát triển nguồn nhân lực.
Hợp tác giữa các bộ, ban, ngành, các ủy ban của Quốc hội, đoàn thể và tổ chức nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào thực chất hơn.
Hai bên trao đổi các đoàn, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là các địa phương có chung đường biên giới, tiếp tục mở rộng xây dựng kết cấu hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tại các khu vực biên giới hai nước.
Đặc biệt, Việt Nam và Campuchia đã phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau kịp thời và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thông qua nhiều hoạt động thiết thực, đóng góp tích cực cho nỗ lực kiểm soát dịch bệnh tại mỗi nước, thể hiện sống động tinh thần đoàn kết và truyền thống tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn giữa hai dân tộc.
Trong năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ khẩn cấp cho Chính phủ và nhân dân Campuchia cả tiền và vật tư y tế, trong đó có thiết bị và bộ xét nghiệm PCR tổng trị giá khoảng 300 nghìn USD.
Riêng trong năm 2021, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã tiếp tục hỗ trợ khẩn cấp cho Campuchia 500.000 USD tiền mặt và nhiều vật tư, thiết bị y tế như 800 máy thở, 2 triệu khẩu trang y tế, 300 nghìn khẩu trang N95 trị giá khoảng 10 triệu USD, góp phần thiết thực và hiệu quả vào nỗ lực ứng phó dịch COVID-19 của Chính phủ và nhân dân Campuchia.
Ngoài ra, các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương có nhiều hình thức hỗ trợ trực tiếp đối tác phía Campuchia, thể hiện truyền thống sẵn sàng chia sẻ, tương trợ bạn lúc khó khăn, đóng góp ý nghĩa vào việc tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước.
Đáp lại, Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Campuchia, Hội Hữu nghị Campuchia-Việt Nam và nhân dân Campuchia đã tặng Việt Nam 200.000 liều vaccine Sinopharm, 1 triệu khẩu trang y tế, 100.000 khẩu trang N95, 100 máy tạo oxy và 350.000 USD tiền mặt.
Nhìn lại chặng đường lịch sử 55 năm qua, bất chấp biết bao khó khăn, thử thách với những thăng trầm, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Campuchia không ngừng được vun đắp. Với những định hướng và khuôn khổ quan hệ hợp tác trong thời kỳ mới, cùng với sự quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, trên tinh thần tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả, tin tưởng rằng, trong những năm tới, quan hệ Việt Nam-Campuchia nhất định sẽ phát triển lên tầm cao mới, vì sự phồn vinh của mỗi quốc gia, vì cuộc sống ấm no của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới./.
Theo Vietnam+