GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo 

Tham gia Hội thảo còn có Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cùng các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo quản lý thuộc các ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, các cơ quan nghiên cứu.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, mô hình và cách làm của Thừa Thiên Huế là thực tiễn mới hết sức sinh động về việc triển khai những quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm đột phá chiến lược thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và Kết luận của Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ II, với tinh thần nhất quán, xuyên suốt: Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu,vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.

Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực phồn vinh, hạnh phúc.

Việc khai thác, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế trong sự phát triển của Thừa Thiên Huế, cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò về giá trị văn hóa, sức mạnh của con người trong phát triển Thừa Thiên Huế trên cơ sở quán triệt tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đồng thời, Thừa Thiên Huế cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, con người cũng như khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người xứ Huế - nguồn lực nội sinh quan trọng nhất để hiện thực hóa khát vọng phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định, Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng vẻ vang; là trung tâm văn hóa và du lịch; trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của miền Trung và cả nước; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm khoa học - công nghệ.

Là vùng đất đang lưu giữ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần phong phú, đa dạng, đặc sắc, có hệ thống di sản vật thể cùng những giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Huế - một đô thị đã và đang được xây dựng theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” với hạt nhân là Thành phố Huế - thành phố di sản văn hóa thế giới, thành phố Festival, thành phố Văn hóa ASEAN, thành phố xanh - sạch - sáng và thông minh...

Việc tổ chức thành công 10 kỳ Festival Huế với quy mô quốc tế đã góp phần nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế ở khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, từ các yếu tố thiên nhiên và xã hội rất riêng, rất đặc trưng đã hình thành nên con người Huế; luôn coi trọng văn hóa, lễ giáo, hiếu học; tôn sư trọng đạo trong mỗi gia đình; sống khoan dung, hòa thuận; mẫu mực, nhẹ nhàng, gần gũi với thiên nhiên. Những đức tính, truyền thống tốt đẹp của con người Huế tiếp tục được phát huy trong thực tiễn cuộc sống.

Sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Thừa Thiên Huế đã không ngừng nỗ lực, vươn lên, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo thế và lực mới trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành “đô thị di sản” đặc sắc của khu vực và cả nước.

Các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống được tiếp tục bảo tồn và phát huy, góp phần khẳng định vị trí về chính trị, văn hóa và du lịch, mở rộng quan hệ ngoại giao và hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế. Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng xanh và bền vững.

Hội thảo là diễn đàn quan trọng để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Huế 

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu thêm một lần nữa khẳng định, kết quả của Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn, gợi mở những hàm ý về xây dựng, ban hành cơ chính sách mới, phù hợp để địa phương tiếp tục triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị, phấn đấu để Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á dựa trên những giá trị nền tảng của văn hóa truyền thống và tinh thần chủ động, sáng tạo của người dân vùng đất Cố đô.

Hội thảo đã nhận được 60 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo quản lý thuộc các ban ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các ban ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, các cơ quan nghiên cứu.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm nổi bật những vấn đề trọng tâm như: Sự quan tâm và tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với sự phát triển của Thừa Thiên Huế. Khẳng định vị trí địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa quan trọng của Thừa Thiên Huế đối với sự phát triển, ổn định của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cũng như sự phát triển chung của cả nước. 

Khẳng định những giá trị độc đáo, riêng biệt, hấp dẫn của văn hóa, con người Huế. Vai trò của văn hóa, con người đối với sự phát triển của Thừa Thiên Huế trong tiến trình lịch sử. Những thành tựu trong phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế đối với quá trình phát triển của Thừa Thiên Huế trong hơn 35 năm đổi mới, đặc biệt là hơn 2 năm triển khai Nghị quyết 54, từ 2019 đến nay. Đồng thời chỉ ra những bất cập, hạn chế trong việc khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa, con người Huế thời gian qua.

Các các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã đề xuất những giải pháp về cơ chế, chính sách để khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng văn hóa và sức sáng tạo của con người Huế trong bối cảnh, tình hình hiện nay nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đã đề ra.

                                                                            Tin, ảnh: Anh Phong