Lượng khách du lịch đến các nước Đông Nam Á đang tăng dần khi các nước nới lỏng và loại bỏ hạn chế chống dịch. Ảnh minh họa: AP/Báo Nhân dân

Theo Công ty phân tích dữ liệu chuyến bay Cirium, các chuyến bay đang dần trở lại mức ghi nhận trong năm 2019 ở các nền kinh tế lớn trong khu vực, với Singapore, Thái Lan và Malaysia là những điểm đến phổ biến nhất trong năm nay.

Tại Singapore, quốc gia có lượng đặt vé máy bay cao nhất trong khu vực trong năm nay, lượng đặt vé vào tháng 1 đã tăng lên từ mức khoảng 30% của năm 2019 lên 48% vào giữa tháng 6. Theo Cirium, Philippines cũng chứng kiến lượng đặt phòng tăng mạnh, từ khoảng 20% vào đầu tháng 1 tăng lên đến gần 40% vào giữa tháng 6.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hiệp Quốc (UNWTO), du lịch là ngành tạo ra tiền chính của Đông Nam Á, khu vực có lượng khách quốc tế tăng gấp đôi từ 63 triệu vào năm 2009 lên 139 triệu vào năm 2019.

Ngành công nghiệp này chiếm khoảng 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam, Singapore và Malaysia và từ 20% - 25% GDP của Thái Lan, Campuchia và Philippines, theo kết quả của một báo cáo vào tháng 5/2022 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố.

Gary Boweman, Giám đốc Công ty nghiên cứu du lịch Check-in Asia cho biết, đại dịch “có lẽ đã tàn phán Đông Nam Á nhiều hơn so với phần còn lại của thế giới, bởi chính phủ các nước trong khu vực đã đóng cửa biên giới trong gần 2 năm. Thậm chí, có nhiều hạn chế đi lại đã được áp dụng trong nước. So sánh với Bắc Mỹ và châu Âu, cả hai khu vực trong năm 2020 và 2021 đã mở một số làn đường đi lại và du lịch nhất định”.

Thay đổi thói quen du lịch

Hầu hết ở các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Philippines, các nước đã ngừng yêu cầu các du khách đã tiêm phòng đầy đủ phải cung cấp xác nhận âm tính với COVID-19 trước khi khởi hành.

Sau khi Singapore dỡ bỏ yêu cầu xét nghiệm đối với du khách vào tháng 4, hoạt động kinh doanh của nước này đã gia tăng đột biến. Du khách đặt các chuyến đi dài ngày hơn và cũng chi tiêu nhiều hơn trước, Stanley Foo, người sáng lập Công ty lữ hành địa phương Oriental Travel & Tours thông tin.

Cụ thể, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, mỗi ngày công ty nhận được khoảng 20 tour/tuần, trong đó chủ yếu là các tour kéo dài từ 3 đến 4 ngày. Hiện tại, công ty đang xử lý 25 lượt đặt tour/tuần, một số tour có độ dài lên đến 10 ngày. Thêm vào đó, chi tiêu trung bình cho các chuyến đi đã được điều chỉnh từ khoảng 2.000 USD/người trước đại dịch lên đến 4.000 USD – 6.000 USD/người vào thời điểm hiện nay.

“Đó như thể một chuyến đi để trả thù. Mọi người đã tiết kiệm đủ trong 2 năm qua”, ông Stanley Foo chia sẻ.

Không còn là tệp khách du lịch thông thường

Trả lời phóng viên, ông Stanley Foo cho biết, khách du lịch liên hệ với công ty hiện đến từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là từ các quốc gia Đông Nam Á.

Điều này hoàn toàn trái ngược đối với tình hình kinh doanh trước đây của công ty, khi du khách Trung Quốc nằm trong nhóm khách hàng lớn nhất. Hiện Trung Quốc vẫn tiếp tục áp dụng các “hạn chế nghiêm ngặt” đối với những chuyến đi không cần thiết ra nước ngoài.

Vào năm 2019, du khách Trung Quốc chiếm hơn 30% lượng khách du lịch đến một số quốc gia Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết. Thực tế này kéo dài khiến nỗi đau của các nước phụ thuộc vào du lịch trở nên nghiêm trọng hơn.

John Grant, nhà phân tích trưởng của Công ty dữ liệu du lịch OAG cho biết, tiến trình phục hồi du lịch của châu Á chậm hơn so với các châu lục khác bởi khu vực phụ thuộc phần lớn vào khách quốc tế, đặc biệt là từ Trung Quốc, cộng thêm đó là chiến lược mở cửa của các quốc gia trong khu vực vẫn còn khác nhau.

So với trước đại dịch, Đông Nam Á đạt được 66% công suất các chuyến bay so với thời kỳ tiền đại dịch. Trong khi đó, dữ liệu của OAG cho thấy châu Âu và Bắc Mỹ đã quay trở lại được đến 88% - 90%.

Bầu trời đầy mây mù phía trước

Cần phải nhận định rõ rằng, sự phục hồi đối với du lịch của Đông Nam Á cũng phải đối mặt với nhiều “cơn gió ngược” trên toàn cầu khác, như: chi phí và lãi suất tăng, cũng như suy thoái và lạm phát tiềm ẩn.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, giá nhiên liệu máy bay vào đầu tháng 6 đã tăng 128% so với 1 năm trước đó. Do đó, các hãng hàng không cũng đang tăng giá vé. Tuy nhiên, đến nay, điều này không mấy ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của du khách bởi họ “đã phải kìm nén lâu” trong 2 năm hạn chế bởi dịch bệnh.

Song, tình hình vẫn có thể thay đổi khi phụ phí nhiên liệu xảy ra cùng lúc với lạm phát ăn vào chi tiêu của du khách. Cụ thể, so với đồng đô la Mỹ, lãi suất có thể làm mất giá đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi, khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt giá hơn và giảm số tiền mà du khách có thể chi tiêu cho những việc không thiết yếu như đi nghỉ dưỡng.

Thách thức về thiếu lao động

Ngay cả khi Đông Nam Á tiếp tục thu hút nhiều du khách đến đây du lịch, thì vẫn còn một vấn đề lớn tồn tại là thiếu lao động làm việc trong ngành. Bởi trong 2 năm đầu của đại dịch COVID-19, nhiều nhân viên hàng không đã thôi việc hoặc bị cho thôi việc.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách đang ngày càng gia tăng, các hãng hàng không đang tích cực tuyển dụng nhân viên.

Sau nhiều góc nhìn, nhìn chung, bất chấp du lịch Đông Nam Á đứng trước nhiều cơ hội phục hồi và phát triển, con đường phía trước vẫn còn khá phức tạp, các chuyên gia nhận định.

Đan Lê (Lược dịch từ CNBC)