TS. Lê Vệ Quốc phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị tập huấn
Phát biểu tại Hội nghị, Tiến sỹ Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, nhận định: Tập huấn nghiệp vụ về đảm bảo bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở là vấn đề rất khó vì trình độ, nhận thức, kỹ năng giữa các tổ hòa giải, hòa giải viên hiện nay không đồng đều.
Để mang lại sự công bằng cho các bên tham gia hòa giải, đảm bảo kết quả hòa giải thực sự bền vững, việc trau dồi kiến thức, kỹ năng, ứng xử cho hòa giải viên về bảo đảm bình đẳng giới là rất cần thiết. Qua thực tế triển khai tập huấn, các địa phương có những phản hồi tích cực về lợi ích của chương trình. Đặc biệt, các chuyên gia quốc tế trong chương trình hướng dẫn về kinh nghiệm, nguồn lực và phương pháp vận động, hòa giải.
Tại hội nghị lần này, đại biểu tập huấn viên cấp huyện cùng chia sẻ, lĩnh hội phương pháp tập huấn tích cực để khi trở về địa phương có thể triển khai tập huấn cho hòa giải viên cơ sở.
Hội nghị tập huấn dự kiến diễn ra trong 2 ngày. Chuyên gia hướng dẫn chuyên sâu cho hơn 40 tập huấn viên cấp huyện về các chủ đề: Một số kiến thức cơ bản về giới; kỹ năng hòa giải nhằm đảm bảo bình đẳng giới; quy trình hòa giải ở cơ sở nhằm đảm bảo bình đẳng giới; thực hành hòa giải ở cơ sở nhằm đảm bảo bình đẳng giới; thảo luận, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương...
Theo UNDP Việt Nam, ở nước ta, hòa giải ở cơ sở là cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án phổ biến nhất, thường bao gồm tranh chấp nhỏ phát sinh từ các mối quan hệ gia đình và dân sự, trong cộng đồng.
Theo khảo sát về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018, 45% số người được hỏi cho biết họ sẽ yêu cầu hòa giải từ “những người có uy tín” trong cộng đồng của mình thay vì sử dụng tòa án cho các tranh chấp dân sự.
Năm 2019, trong khuôn khổ dự án EU JULE, Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp tiến hành một số nghiên cứu về hòa giải ở cơ sở, tham khảo ý kiến của hòa giải viên cũng như người dân về công tác hòa giải ở cơ sở, khó khăn, thách thức họ gặp phải. Đa số các hòa giải viên cho rằng, họ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng thực tế để đảm bảo tính nhạy cảm giới và làm việc với các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có phụ nữ, trẻ em. Điều này ảnh hưởng tới hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.
Trao quyền bình đẳng cho phụ nữ và nam giới trên mọi lĩnh vực của cuộc sống là điều kiện cơ bản để đạt bình đẳng giới, điều này được nhấn mạnh trong Mục tiêu 5, Chương trình Nghị sự 2030 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ của Liên Hiệp quốc. Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc trao quyền cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới. Hệ thống pháp luật Việt Nam đã hoàn thiện để góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Luật Bình đẳng giới cũng như các văn bản pháp luật khác của Việt Nam góp phần dần xóa bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em gái, đảm bảo đối xử công bằng, bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, giúp họ có thể thực hiện đầy đủ quyền con người của mình, tạo điều kiện cho phụ nữ, nam giới tham gia vào hoạt động chính trị, kinh tế - xã hội.
Tin, ảnh: Thái Bình