Còn những rào cản thiếu hợp lý khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà trích lập Quỹ Phát triển KHCN

Có cũng như không

Từ nhiều năm trước, Bộ KH&CN và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 12/2016 hướng dẫn về nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển KHCN của DN. Mới đây, Bộ KH&CN cũng ban hành Thông tư 05/2022 hướng dẫn sử dụng Quỹ Phát triển KHCN của DN. Theo các thông tư, hằng năm DN nhà nước bắt buộc trích lập từ 3-10% thu nhập trước thuế để hình thành quỹ và các DN ngoài Nhà nước tự quyết định mức trích cụ thể, nhưng tối đa không quá 10% thu nhập trước thuế trong kỳ.

Quỹ Phát triển KHCN được sử dụng để đầu tư tăng cường tiềm lực KHCN cho DN, ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh. Quỹ này cũng được dùng để đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật; trang bị máy móc, thiết bị đi kèm việc chuyển giao công nghệ tiên tiến hơn. Đây là một chính sách quan trọng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển KHCN trong DN.

Theo thống kê cả nước, chỉ có dưới 0,1% DN thực hiện trích lập Quỹ Phát triển KHCN, nhưng 80% không sử dụng và bị phạt lãi phát sinh, truy thu do chậm nộp. Tại Thừa Thiên Huế đến thời điểm hiện tại, số DN thành lập quỹ này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Câu hỏi đặt ra là tại sao một chính sách được cho là động lực phát triển, nhưng nhiều DN vẫn rất thờ ơ, không mặn mà. Có ý kiến cho rằng, một phần do hoạt động về KHCN ở các DN hiện còn khá hạn chế. Nhiều DN không đủ nguồn lực để quản lý, tổ chức và thực hiện hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo.

DN chưa mặn mà

Thực tế về việc thành lập và sử dụng tiền từ Quỹ này còn vướng đã sinh ra tâm lý "ngại". Theo đánh giá của các chuyên gia và cộng đồng DN, nguyên nhân chính là ở khâu thủ tục thực hiện, các quy định liên quan… Khi DN trích lập quỹ, lẽ ra tiền đầu tư là của DN thì phải được quyết định việc sử dụng. Tuy nhiên, lúc sử dụng lại phải tuân theo những thủ tục kiểm soát chi chặt chẽ.

Theo quy định, sau 5 năm, nếu không sử dụng hết 70% quỹ thì DN phải quay trở lại đóng thuế cho khoản kinh phí đã trích lập. DN cho rằng, cần đơn giản hóa để dễ sử dụng quỹ, bởi dù không có quỹ thì DN vẫn chủ động đầu tư cho đổi mới công nghệ theo nhu cầu và khả năng, các khoản chi này sẽ được tính vào chi phí DN khi quyết toán thuế. Khi DN muốn sử dụng quỹ phải làm hồ sơ, lập hội đồng, thẩm định đánh giá tính khả thi của đề tài từ khâu đầu đến khâu cuối. Quá trình này rất phức tạp và khó khăn trong khi việc sản xuất, kinh doanh cần độ trễ ít và sự thông thoáng hơn.

Theo đánh giá của Sở KH&CN, qua thống kê, nguồn kinh phí cho nghiên cứu KHCN trên địa bàn tỉnh chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước. Với quỹ này, sự quan tâm của các DN chưa nhiều. Việc trích lập quỹ là quy định không bắt buộc, chủ yếu là khuyến khích nên các DN cũng không mấy mặn mà.

Một hội thảo bàn giải pháp đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KHCN đầu năm 2022, nhiều nhà nghiên cứu khoa học nhận định, có quá ít DN trích lập Quỹ Phát triển KHCN tại đơn vị mình. Đây là vấn đề đáng lưu tâm, phải nghiên cứu giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn đối với cộng đồng DN một cách hợp lý. Đồng thời, cần các chính sách làm sao để DN nhận thấy được lợi ích thiết thực, từ đó mới có thể thúc đẩy DN hưởng ứng.

Đầu tư phát triển KHCN, nhất là đối với DN được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế. Để KHCN thực sự phát triển và phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển KHCN phải thực sự cụ thể, rõ ràng và ưu đãi, từ đó mới thu hút các DN yên tâm sử dụng. Những rào cản trên, các bộ, ngành liên quan cũng cần sớm tìm ra giải pháp phù hợp để việc lập và sử dụng Quỹ Phát triển KHCN trong DN phát triển mạnh và phát huy hiệu quả.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG