- ThS. LS Nguyễn Văn Phước, Trưởng Văn phòng Luật sư Huế (ảnh): Điều 105 Bộ luật Lao động (BLLĐ) quy định: “TNLĐ là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.” Tại điểm 2.1 Thông tư liên tịch số 14/2005/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN hướng dẫn việc khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ TNLĐ hướng dẫn cụ thể:

 
a) TNLĐ là tai nạn xảy ra do tác động bởi các yếu tố nguy hiểm, độc hại trong lao động gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong trong quá trình lao động gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động kể cả trong thời gian khác theo quy định của BLLĐ, như: nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, thời gian chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc.
 
b) Những trường hợp sau được coi là TNLĐ: Tai nạn xảy ra với người lao động khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở vào thời gian và địa điểm hợp lý (trên tuyến đường đi và về thường xuyên hàng ngày) hoặc tai nạn, do những nguyên nhân khách quan, như: thiên tai, hoả hoạn và các trường hợp rủi ro khác gắn liền với việc thực hiện các công việc, nhiệm vụ lao động”.
 
Đối chiếu với quy định trên, mặc dù anh bạn bị xuất huyết não trong lúc làm việc, nhưng là bệnh do mạch não bị vỡ và máu chảy vào tổ chức não gây nên. Bệnh phát đột ngột, nhưng hình thành bệnh là một quá trình. Bệnh xảy ra do tự thân người bệnh (không phải bởi các yếu tố nguy hiểm, độc hại trong lao động gây ra). Do vậy, trường hợp của anh bạn không được coi là TNLĐ.
 
Còn điều 106 BLLĐ quy định: “BNN là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động. Danh mục các loại BNN do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành sau khi lấy ý kiến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao động”. Danh mục các BNN được quy định tại Quyết định số 167/BYT-QĐ ngày 4-7-1997, bao gồm: 21 BNN và Quyết định số 27/2006/QĐ-BYT ngày 21-9-2006 bổ sung bốn BNN vào danh mục các BNN được bảo hiểm. Như vậy, tổng cộng có 25 BNN (bạn có thể tham khảo kỹ thêm các bệnh cụ thể tại hai quyết định này). Như vậy, bệnh xuất huyết não mà anh bạn mắc không thuộc danh mục các BNN nêu trên.
 
Vì không nắm rõ tình hình thực tế của anh bạn như thế nào (mức độ suy giảm khả năng lao động, khả năng phục hồi...), nên đối với quyền lợi mà anh bạn được hưởng trên cơ sở thông tin bạn cung cấp, chúng tôi chỉ tư vấn mang tính định hướng và tham khảo như sau: Theo quy định của pháp luật lao động và Luật BHXH, anh bạn thuộc đối tượng được hưởng chế độ BHXH ốm đau. Mức hưởng chế độ ốm đau, thời gian hưởng chế độ ốm đau, nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe cụ thể đối với trường hợp của anh bạn, bạn tham khảo các điều 21 đến 26 Luật BHXH.
 
Trường hợp không thể tiếp tục làm việc được nữa, anh bạn có thể làm thủ tục để hưởng chế độ hưu trí sớm với điều kiện mức suy giảm khả năng lao động của anh bạn phải từ 61% trở lên (điều 51 Luật BHXH).
 
Bùi Vĩnh (ghi)