Nấu nướng cũng là cách giữ nếp nhà
Lạm dụng công nghệ trong sinh hoạt
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, cán bộ hưu trí phường Trường An (TP. Huế) về hưu gần chục năm nay. Các con có cuộc sống riêng nên ông chỉ trông thỉnh thoảng cả nhà được quây quần một bữa, để con không quên ba mẹ, cháu không quên ông bà vậy là mừng rồi. Dù cách nhau chỉ vài chục cây số nhưng vài tháng nay, ông bà chưa được gặp các cháu. Tuy hàng tuần vẫn nói chuyện qua facetime nhưng với ông vẫn không đủ.
Tiện ích của công nghệ thông tin đã rõ, song, nếu không biết tiết chế sẽ làm khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình xa dần. 18 tuổi, N.K tìm đến bác sĩ tâm lý Diệu Hà sau một thời gian dài trầm cảm. Có nhiều nguyên nhân khiến em sống khép kín, song lý do khiến bác sĩ quan tâm là em bị bỏ rơi trong thời gian dài khi suốt ngày bố mẹ đều ôm điện thoại. K. kể, sau một ngày dài trở về nhà, người thì chăm chú xem ti vi, người thì cầm điện thoại mải mê lướt Facebook, Zalo, Youtube, game... Điều đó khiến cho em cảm thấy cô đơn, nhàm chán. Lâu dần cuộc sống không còn sự kết nối và chia sẻ, ai cũng có thú vui riêng thì khoảng trống vô hình giữa bố mẹ ngày càng lớn dần.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, có tới 20% ông bố và 7% bà mẹ không có thời gian dành cho con cái. Thời gian ở cạnh con cái eo hẹp là một phần nguyên nhân khiến các em ở độ tuổi vị thành niên xa cách bố mẹ. Dần dần, các em không còn coi bố mẹ là chỗ dựa tinh thần để chia sẻ những tâm tư, tình cảm của mình.
Số liệu Tổng cục Thống kê, trong 10 năm qua, tỷ lệ các cặp vợ chồng ly hôn tăng dần qua các năm. Nhiều người quá say mê với các thiết bị công nghệ mà quên đi trách nhiệm và tình cảm của mình trong cuộc sống gia đình. Nhiều bi kịch trong gia đình hiện đại là do bố mẹ không có nhiều thời gian dành cho con cái vì thời gian rảnh rỗi, họ đã dành hết cho internet. Trong không gian số, các chuẩn mực đạo đức và hệ giá trị gia đình cũ suy yếu nhường chỗ cho các quan hệ ảo.
Giữ mái nhà luôn là tổ ấm
Chuyển đổi số làm thay đổi mối quan hệ gia đình theo hướng lỏng lẻo, ảo hơn và tính cá nhân hóa của mỗi thành viên trong gia đình cao hơn. Đây là thách thức đối với gia đình Việt Nam trong xã hội hiện nay. Theo bà Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, chúng ta đang dành quá nhiều thời gian cho công nghệ, nhất là khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trẻ chơi, học, giải trí… đều chủ yếu thông qua máy tính, điện thoại, tivi. Bố mẹ cũng phải làm việc trên màn hình máy tính. Có khi cả gia đình đang ở cạnh nhau trong một không gian nhưng mỗi người đang theo đuổi suy nghĩ khác nhau, xem những nội dung và có kết nối khác nhau.
Cũng theo bà Loan, muốn giữ hạnh phúc gia đình, nhất là gia đình trẻ là điều không đơn giản. Quan trọng là mỗi người phải tự ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng tổ ấm, biết cân bằng các mối quan hệ và thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương nhau. Các thành viên hãy dành thời gian cho nhau, tạo điều kiện phát huy năng lực, sở trường của nhau, bởi vì những điều đó làm nên “ngọn lửa” yêu thương của một gia đình hạnh phúc.
Văn hóa gia đình vô cùng quan trọng trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão. Tuy nhiên, cần tránh lạm dụng công nghệ trong sinh hoạt đời thường. Phải làm cho mọi người hiểu rằng, nhìn thấy nhau trên mạng, nghe tiếng nhau qua điện thoại không thể thay thế được những cuộc gặp trực tiếp, nhìn vào mắt nhau và nói những lời yêu thương.
Cha mẹ cũng cần lập một kế hoạch để cả gia đình có thể tương tác với nhau thường xuyên hơn như: bố mẹ có thể cùng con xem một chương trình truyền hình, chơi một trò chơi trên máy tính… Phụ huynh hãy dành thời gian để các thành viên cùng trò chuyện, chia sẻ trực tiếp, đôi khi chỉ 30 phút hay 1 tiếng mỗi ngày nhưng đó là sự kết nối bền vững.
Bữa cơm gia đình là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên nếp nhà và là cơ hội để các thành viên bày tỏ sự quan tâm lẫn nhau. Giữ mái nhà luôn là tổ ấm, nơi các con cảm nhận rõ nét tình yêu thương, sự quan tâm đến cha mẹ, ông bà… Cái gốc của văn hóa gia đình là sự yêu thương và chăm sóc lẫn nhau, muốn cho nhau được vui vẻ, hạnh phúc.
Bài, ảnh: Huế Thu