Những “gương mặt” đang bị xử lý vì liên quan vụ kit test Covid-19 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Ảnh: baodautu.vn

Buông lỏng là thể hiện sự tắc trách, không làm tròn nhiệm vụ của một người nào đó khi không làm hoặc làm không làm đầy đủ nhiệm vụ. Cán bộ lãnh đạo hoặc người được giao chức trách để đình trệ công việc, vi phạm quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước được xác định là “buông lỏng quản lý”.

Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vi phạm, hạn chế, tiêu cực trong nhiều lĩnh vực quản lý xã hội, quản lý công tác ở nhiều cơ quan, địa phương, nhiều trường hợp do cán bộ lãnh đạo gây ra.

Trong mức độ nào đó, “buông lỏng quản lý” là khuyết điểm cá nhân, nhưng nó còn được hiểu theo nghĩa thiếu trách nhiệm, làm trái, vi phạm kỷ luật Đảng, kỷ luật công vụ và vi phạm pháp luật. Trong chức năng, trách nhiệm quản lý, bên cạnh nhiệm vụ theo Điều lệ Đảng, Luật Công chức thì cá nhân cán bộ phải có tầm nhìn xa, dự kiến tình hình để hoàn thành một cách tốt nhất.

Trong trách nhiệm quản lý, khi biết cấp dưới vi phạm, không thực hiện đúng nguyên tắc, quy định, làm bừa, làm ẩu… phải được ngăn chặn, chấn chỉnh nhưng đã không làm lại cố tình làm ngơ, có khi còn gợi ý, tiếp tay, lách luật vì động cơ vụ lợi, nhóm lợi ích. Ở đây không còn “buông lỏng” theo nghĩa thông thường mà là cố tình vi phạm, thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả, nhiều sai phạm rất nặng.

Lãnh đạo có thể “buông lỏng quản lý”, nhưng ngược lại đã không “buông” với lợi ích dành cho riêng mình. Thậm chí tìm cách hợp thức hóa trách nhiệm chung cho tập thể, che giấu động cơ vụ lợi cá nhân. Đó mới chính là bản chất thật sự của “buông lỏng quản lý”.

Thực tế hiện nay, vi phạm tham nhũng, tiêu cực đang còn diễn ra phức tạp ở nhiều ngành, địa phương, các lĩnh vực có nhiều tài sản của Nhà nước. Nổi lên nhất là quản lý đất đai, xây dựng, bảo vệ rừng, quản lý tài sản công, dự án BOT, mua sắm trang, thiết bị và trong quản lý, đề bạt cán bộ...

Đáng chú ý nhất là lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng ở các đô thị và các khu kinh tế lớn, khu dân cư tập trung. Những công trình xây dựng trái quy hoạch, vượt thiết kế không được ngăn chặn, xử lý ngay từ ban đầu, khi đã hoàn thiện mới được phát hiện làm khó khăn, phức tạp cho xử lý.

Chỉ riêng tập đoàn Alibaba (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức mua bán đất, san nền, phân lô trái phép, quảng cáo có tính lừa đảo rầm rộ ở các tỉnh phía nam (400ha) một thời gian dài mới bị phát hiện, cưỡng chế, khởi tố. Ngay như trong quyết định đóng cửa rừng theo quyết định của Chính phủ thì chưa đầy 4 năm đã mất thêm hàng ngàn ha, nhiều nhất ở vùng Tây nguyên. Có những khu vực rừng bị chặt phá khá lớn, tập kết gỗ khai thác trái phép gần trụ sở chính quyền địa phương, trạm kiểm lâm nhưng không được phát hiện. Đó là thực trạng đáng báo động.

Gần đây, lợi dụng đặc thù trong mua sắm trang, thiết bị phòng ngừa COVID-19 đã xảy ra hàng loạt vi phạm ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Lãnh đạo ở Bộ Y tế, Bộ Khoa học - Công nghệ, Học viện Quân y cấu kết với Công ty CP Công nghệ Việt Á trong làm kit- test nhằm thu lợi trái phép. Một loạt cán bộ cấp cao là Bộ trưởng, lãnh đạo cơ sở y tế, sĩ quan cấp tướng lực lượng quân y bị kỷ luật, khởi tố hình sự. Đó là 1 vụ án nghiêm trọng điển hình xảy ra do “buông lỏng quản lý”.

“Buông lỏng quản lý” hiện nay được xác định là biểu hiện mới của sai phạm trong thực hiện Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước. Buông lỏng được xác định trong quy định của Đảng chính là “thiếu trách nhiệm” hay “cố ý làm trái”.

Ngày 15/12/2017, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định 102-QĐ/TW “Quy định về xử lý đảng viên vi phạm”. “Buông lỏng quản lý” được quy định trong Khoản 7 Điều 6: “Đảng viên có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý nhưng không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, không chấp hành quy định, chỉ đạo của cấp trên; không có chủ trương, biện pháp, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoặc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý”.

Như vậy, “buông lỏng quản lý” ở đây còn được hiểu là cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm phải được xử lý theo quy định của Đảng, mức độ nghiêm trọng thì căn cứ Bộ luật Hình sự để khởi tố, không xử lý nội bộ, xử lý hành chính. Thời gian qua, nhiều trường hợp vi phạm bị kỷ luật của Đảng, sau đó mới xử lý hình sự là quy trình hết sức bình thường, thể hiện tính nghiêm minh “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Một số kẻ cố tình không hiểu lại đánh đồng giữa “buông lỏng quản lý” trong quy định của Đảng với tội trong luật hình sự rồi cho rằng Đảng, Nhà nước thiếu nhất quán, né tránh xử lý hoặc xử nặng cho người khác phe nhóm. Đó là nhận định, suy diễn hồ đồ, thiếu căn cứ.

Giữa “buông lỏng quản lý” và vi phạm pháp luật chỉ là ranh giới mong manh, có khi cả 2 yếu tố là một. Người lãnh đạo khi được giao nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý thì không bao giờ được “buông lỏng” với trách nhiệm nói chung và với bản thân nói riêng. Xác định “buông lỏng quản lý” cũng là hình thức vi phạm cần được xử lý nghiêm.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH