Hàng dài các tài xế xếp hàng để được đổ xăng. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Báo Tin tức

Có thể nói rằng, tình trạng hiện nay của Sri Lanka đang rất nghiêm trọng, các trường học tại Colombo phải đóng cửa và nhân viên công vụ cũng được yêu cầu làm việc tại nhà.

Được biết, hiện quốc gia này đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất, với trữ lượng ngoại hối ở mức thấp kỷ lục và hòn đảo 22 triệu dân này đang phải vật lộn để thanh toán các khoản nhập khẩu thiết yếu bao gồm thực phẩm, thuốc men và nghiêm trọng nhất là nhiên liệu.

Các ngành công nghiệp như may mặc - ngành đem lại nhiều doanh thu cho Sri Lanka hiện chỉ còn đủ lượng nhiên liệu để hoạt động trong khoảng 1 tuần đến 10 ngày. Theo tính toán của Reuters, với nhu cầu như hiện nay, các kho dự trữ nhiên liệu hiện có của nước này thậm chí sẽ cạn kiệt trong vòng chưa đến 1 tuần.

Người phát ngôn của chính phủ Sri Lanka Bandula Gunewardena trả lời phóng viên rằng, Sri Lanka sẽ chỉ cung cấp nhiên liệu cho tàu lửa và xe buýt, các dịch vụ y tế và phương tiện vận chuyển thực phẩm bắt đầu từ ngày 28/6 - 10/7.

Các trường học ở khu vực đô thị sẽ tạm thời đóng cửa và mọi người được khuyến khích làm việc tại nhà. Dịch vụ xe buýt liên tỉnh cũng bị hạn chế, người phát ngôn Bandula Gunewardena cho hay.

“Sri Lanka chưa bao giờ đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như vậy”, ông Bandula nhận định.

Sự khó khăn thể hiện rất rõ, khi tài xế xe kéo WD Shelton, 67 tuổi đã phải chờ đợi 4 ngày ròng rã để được đổ xăng.

“Tôi đã không thể ăn và ngủ đúng giờ trong thời gian này. Chúng tôi không thể kiếm thu nhập, chúng tôi không thể nuôi sống gia đình mình”, tài xế chia sẻ.

Trong nỗ lực giải quyết khẩn cấp tình hình, chính phủ Sri Lanka đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về đề xuất cho một gói cứu trợ, song nhiều người dân nước này đã không thể đợi lâu hơn, số lượng yêu cầu cấp hộ chiếu xuất cảnh đã tăng vọt trong những ngày gần đây.

Đan Lê (Lược dịch từ Reuters)