Đại diện doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng sinh viên

Biết hiệu quả, nhưng còn ít

Khảo sát các đơn vị đào tạo ĐH tại Huế, rất ít đơn vị có sự “bắt tay” giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo theo đơn đặt hàng. Ngay tại Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế - một trong những đơn vị có tiếng trong kết nối doanh nghiệp, nhưng đào tạo theo đơn đặt hàng chủ yếu vẫn chỉ ở Khoa Chăn nuôi Thú y với Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Văn, Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y, Trường ĐH Nông Lâm chia sẻ, quy mô chương trình đào tạo sinh viên theo đơn đặt hàng hiện nay với Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam hằng năm khoảng 25 - 40 sinh viên. Đơn vị rất muốn mở rộng hợp tác, đào tạo theo đơn đặt hàng với nhiều doanh nghiệp, nhưng không dễ.

Đào tạo theo đơn đặt hàng giải quyết bài toán hiệu quả 3 bên. Về phía đơn vị đào tạo sẽ đáp ứng được cam kết người học sau khi tốt nghiệp có ngay việc làm và đào tạo đúng định hướng, yêu cầu doanh nghiệp; phía doanh nghiệp không phải lo bài toán thiếu nguồn lao động chất lượng hay phải đào tạo lại, còn sinh viên chắc chắn có được cơ hội tuyển dụng. Tuy nhiên, biết hiệu quả, nhưng chưa thể triển khai rộng.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Văn, cả phía đơn vị đào tạo và doanh nghiệp đều mong muốn chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng, nhưng cái khó từ phía doanh nghiệp là nỗi lo nhu cầu thị trường lao động không ổn định, trong khi tham gia chương trình phải đặt hàng sớm, vì vậy, nhiều doanh nghiệp không thể mạnh dạn đưa ra quyết định.

Ông Phạm Phú Phát, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho rằng, ngoài nguyên nhân trên, thì lý do còn xuất phát từ phía doanh nghiệp, thị trường lao động chưa quen với mô hình trên. Ở một số ngành, mức độ cạnh tranh về nguồn nhân lực những năm trước chưa thực sự gay gắt. Dẫu vậy, ông Phát thừa nhận xu hướng cần mô hình đào tạo theo đơn đặt hàng.

Theo các chuyên gia, lãnh đạo các đơn vị đào tạo, việc xây dựng, “đóng khung” chương trình đào tạo cũng là rào cản. TS. Nguyễn Quang Lịch, Phó Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế cho rằng, đào tạo theo đơn đặt hàng cần vai trò và sự tham gia của doanh nghiệp từ xây dựng chương trình đến đào tạo, kiểm tra, đánh giá... Ngoài khó khăn từ quy định yêu cầu với chuyên gia từ doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện, việc chậm hoặc chưa có giải pháp để xây dựng, áp dụng khung chương trình phù hợp với những đòi hỏi của doanh nghiệp cũng là nguyên nhân.

Tìm giải pháp

Trong các ngày hội tuyển dụng những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng vượt xa so với số sinh viên ra trường xuất hiện. Đơn cử trong năm 2022, ngày hội việc làm tại Trường ĐH Nông Lâm thu hút 34 doanh nghiệp với 2.772 chỉ tiêu tuyển dụng cho 1.168 sinh viên dự kiến tốt nghiệp cùng năm. Tại Trường ĐH Kinh tế, hàng chục doanh nghiệp cũng mang đến gần 3.330 chỉ tiêu tuyển dụng trong hai đợt ngày hội việc làm năm 2022, cao hơn nhiều so với số sinh viên ra trường trong năm.

Tại một hội thảo về kết nối doanh nghiệp, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng ĐH Huế trăn trở rằng, xét một cách tổng thể, việc hợp tác giữa các trường ĐH và các doanh nghiệp ở trong nước vẫn còn rất hạn chế và hời hợt. Qua các kết quả khảo sát cũng cho thấy, hầu hết mối liên kết nhà trường và doanh nghiệp đều xuất phát từ nhu cầu trước mắt, kế hoạch ngắn hạn của doanh nghiệp chứ không phải chiến lược dài hạn.

Thời gian qua, có rất nhiều ký kết hợp tác giữa các trường và doanh nghiệp nhưng vẫn có những hợp tác chỉ dừng lại trên giấy, chưa thấy hiệu quả triển khai. Mới đây, ĐH Huế cùng các trường tiến hành một loạt hợp tác với các doanh nghiệp lớn, gắn với các nhiệm vụ, cam kết cụ thể, tạo kỳ vọng nhiều hơn trong các mối gắn kết, nhất là trong đào tạo nguồn nhân lực.

TS. Nguyễn Quang Lịch cho biết, sau hợp tác trên, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ sẽ bắt đầu đào tạo theo đơn đặt hàng với Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, dự kiến 50 chỉ tiêu cho 2 chuyên ngành về kỹ sư dự toán xây dựng và kỹ sư quản trị dự án trong lĩnh vực xây dựng. Nhưng, để đào tạo theo đơn đặt hàng, cán bộ, giảng viên của Khoa sẽ vào Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình 6-9 tháng để cùng chuyên gia doanh nghiệp xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp.

Thực tế, để giải quyết bài toán đào tạo theo đơn đặt hàng, ngoài giải pháp thúc đẩy, kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp thì cũng cần khảo sát nhu cầu nhân lực và yêu cầu các vị trí việc làm của các doanh nghiệp để xây dựng một chương trình đáp ứng cho nhiều doanh nghiệp cùng lĩnh vực; đồng thời, khi chọn các chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng phải lựa chọn phù hợp với xu thế phát triển của thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Đào tạo theo đơn đặt hàng mang lại lợi ích cho các bên nên cần sự hợp sức của cả phía doanh nghiệp để cùng tìm giải pháp. Trong đó, doanh nghiệp cũng cần xây dựng các chiến lược, kế hoạch dài hơi để phối hợp chặt chẽ với đơn vị đào tạo.

Bài, ảnh: Hữu Phúc