Quang cảnh tại hội thảo khoa học
Năng suất là chìa khóa tăng trưởng
Tăng năng suất được xem là giải pháp then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội, hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Đối tượng trung tâm để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ này không ai khác chính là doanh nghiệp (DN).
TS Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN chia sẻ, để DN tiếp tục phát huy vai trò chủ lực phát triển kinh tế và là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo (ĐMST), DN cần lấy hoạt động quản lý năng suất là chìa khóa và đòn bẩy để tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay, nhất là gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Hiện nay, một số tiêu chuẩn về chất lượng, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… được đặt ra và trở thành bắt buộc áp dụng đối với các DN khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để đáp ứng được các yêu cầu này, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đã ban hành các tiêu chuẩn như: ISO 9000, ISO 14000, ISO 22000, ISO 50001, ISO 17025. Các công ty đa quốc gia trên thế giới cũng đưa ra các tiêu chuẩn như: IWAY - Môi trường, trách nhiệm xã hội và điều kiện làm việc đặt ra cho các nhà cung cấp sản phẩm, nguyên liệu và dịch vụ, WRAP - trách nhiệm sản xuất hàng dệt may toàn cầu, OHSAS 18001, 5S…
Toàn tỉnh hiện có khoảng 150 DN đã, đang áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến. Trong đó, có 60 DN áp dụng Tiêu chuẩn ISO 9000 (thuộc các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc), 30 DN áp dụng Tiêu chuẩn ISO 22000/HACCP (thuộc các lĩnh vực sản xuất thực phẩm), 20 DN áp dụng Tiêu chuẩn VietGAP (cho lĩnh vực trồng trọt), 8 DN áp dụng ISO 14000, 7 DN áp dụng ISO 17025, 5 DN áp dụng công cụ 5S, còn lại 20 DN áp dụng các công cụ khác như ISO 13465 (hệ thống quản lý chất lượng trong y tế), GMP, SA8000...
Dù có những nỗ lực trong hoạt động quản lý và cung ứng dịch vụ tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn, nhưng hoạt động đào tạo chuyên gia về năng suất chất lượng trong DN, hoạt động tư vấn, chứng nhận về các hệ thống, công cụ quản lý tiên tiến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy ở Thừa Thiên Huế vẫn còn nhiều hạn chế.
Đổi mới công nghệ tạo ra sản phẩm cho thị trường tin dùng
Cần giải pháp, chính sách hỗ trợ
Gần đây, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh của DN trong bối cảnh nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập. Trong đó, quy định một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2030.
Hiện có nhiều DN tích cực đầu tư cải tiến, ĐMCN, chuyển giao công nghệ, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đồng thời tiết kiệm được năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, số lượng DN quan tâm đầu tư cho KH&CN còn ít, do phải vượt qua các rào cản kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa không ổn định, năng suất thấp, chưa tạo dựng thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, nhất là đẩy mạnh xuất khẩu trong tiến trình hội nhập. Số lượng DN áp dụng các công cụ cải tiến về năng suất chất lượng còn thấp, chưa thực sự quan tâm đầu tư vào việc áp dụng quy trình quản lý tiên tiến nhằm nâng cao năng suất của DN.
TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ KH&CN cho rằng, DN không nhất thiết phải tuân theo các hệ thống quản lý, công cụ, mô hình cải tiến năng suất chất lượng theo quy chuẩn chung nếu thấy không phù hợp với DN mình. Cần tùy vào thực trạng DN trên địa bàn mà có thể xây dựng các mô hình điểm khác nhau. Chẳng hạn mô hình điểm về cải tiến năng suất tổng thể, về ĐMST nâng cao năng suất như áp dụng ISO56000, mô hình điểm về năng suất xanh, chuyển đổi số nâng cao năng suất...
DN có thể tham khảo các nguồn tư liệu về các hệ thống quản lý và công cụ năng suất chất lượng được ban hành để xây dựng các chương trình nâng cao năng suất chất lượng phù hợp với tình hình sản xuất của DN cũng như có thể nghiên cứu, đề xuất áp dụng những hệ thống và công cụ mới khác có tác dụng cải tiến năng suất chất lượng của DN.
Phân tích về những tồn tại, hạn chế trong việc chậm ĐMCN, nâng cao năng suất, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, chung quy là do chất lượng nguồn nhân lực còn yếu và thiếu, chuyên môn, tay nghề, kỹ năng cứng, mềm chưa cao, chưa làm chủ được công nghệ so với trong khu vực và nhiều nước khác trên thế giới...
Vì vậy, chính quyền, các sở, ngành liên quan cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng KHCN và ĐMST. Phải phát triển các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, đào tạo, hợp tác quốc tế trong các hoạt động nâng cao năng suất..., góp phần thực hiện Kế hoạch Tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN và ĐMST trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2030.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG