Ngày 28/3/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn 750-CV/TU chỉ đạo việc rà soát, cụ thể hóa kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, vi phạm đã được chỉ ra theo các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý của các cuộc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán từ năm 2015 đến nay.
Qua rà soát, từ năm 2015 đến tháng 6/2022, chỉ riêng các cuộc kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy và UBKT Tỉnh ủy, có 52 tổ chức, 62 đảng viên được kiểm tra; 59 tổ chức, 82 đảng viên được giám sát. Theo đó có 111 kết luận, kiến nghị đối với tổ chức và 144 kết luận, kiến nghị đối với đảng viên.
Kết luận, kiến nghị của các cuộc kiểm tra, giám sát đa số đã được các tổ chức Đảng, đảng viên và các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành triển khai thực hiện nghiêm túc theo quy định; sự phối hợp giữa các chủ thể kiểm tra, giám sát trong theo dõi, đôn đốc tổ chức thực hiện đảm bảo nhịp nhàng, chặt chẽ. Qua đó, các khuyết điểm, hạn chế, vi phạm đã được các tổ chức Đảng, đảng viên khắc phục, xử lý kịp thời, góp phần xây dựng tổ chức, bộ máy trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị ở các địa phương, đơn vị.
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, đơn vị thực hiện chưa nghiêm kết luận, kiến nghị các cuộc kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán nói chung và kết luận các cuộc kiểm tra, giám sát của Đảng nói riêng. Nguyên nhân là do công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị và xử lý sau kiểm tra, giám sát chưa được quan tâm đúng mức; cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chưa thực sự chú trọng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các kết luận và kiến nghị xử lý sau kiểm tra, giám sát; đối tượng được kiểm tra, giám sát sau khi có kết luận có tâm lý “đã rồi việc”, nhất là các kết luận vi phạm chưa đến mức xử lý kỷ luật, cá biệt có trường hợp còn “quên luôn” công tác báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị.
Bên cạnh đó, một số kết luận của các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát được ban hành có các kiến nghị chưa mang tính khả thi cao, còn chung chung, chưa chỉ rõ những khuyết điểm, vi phạm của tổ chức, cá nhân, chưa phù hợp với thực tiễn diễn biến quá trình phát triển kinh tế, xã hội dẫn đến vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra, giám sát. Đồng thời, vẫn còn một số khuyết điểm, hạn chế, vi phạm do lịch sử để lại, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, các văn bản liên quan đã sửa đổi nên gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý dứt điểm.
Từ những nguyên nhân trên dẫn đến một số kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện hoàn thành, còn kéo dài. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế đó, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện kết luận, kiến nghị của các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát; gắn trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát với công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra, giám sát; đồng thời nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo quy trình phải chặt chẽ, đúng theo Điều lệ Đảng, đầy đủ tính pháp lý để làm căn cứ phục vụ việc ban hành kết luận, kiến nghị; tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc đối với việc thực hiện kết luận, kiến nghị; các tổ chức Đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát phải phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện kết luận, kiến nghị, trong đó xác định rõ nội dung, bộ phận, thời gian thực hiện; đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị tồn đọng để có biện pháp xử lý nhằm hoàn thành sớm nhất việc thực hiện các kết luận; kịp thời rà soát những bất cập, chưa phù hợp về cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện kết luận để kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Trần Đức Hợp