Du lịch biển đang được đầu tư để thu hút khách

Phát triển du lịch - dịch vụ

Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế sẵn có, từ 1/7/2021 đến nay, thành phố đã rà soát nhu cầu đầu tư của các phường, xã mới sáp nhập để ưu tiên đầu tư 19 dự án (DA) với tổng mức đầu tư khoảng 69,5 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn tỉnh hỗ trợ để thực hiện các DA trọng điểm, thành phố đã ưu tiên, dự kiến nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để tiếp tục đầu tư các DA trên địa bàn 13 phường, xã với tổng vốn đầu tư trên 850 tỷ đồng, sẽ phân khai thực hiện theo nhu cầu thực tế của địa phương và định hướng của thành phố.

Một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển đó là du lịch - dịch vụ. Hiện, thành phố đang kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách vào các DA để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp hữu cơ (NNHC), du lịch tâm linh tại các địa phương như Hương Thọ, Thủy Bằng, Hải Dương, Thuận An... Hình thành sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp du lịch biển - đầm phá tại Hải Dương - Thuận An - Hương Phong, tạo ra được sản phẩm du lịch Rú Chá - Cồn Tè kết hợp du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời, rà soát, giới thiệu và đề xuất các vị trí kêu gọi đầu tư phát triển du lịch dịch vụ dọc hai bên trục cảnh quan sông Hương kết nối với các điểm di tích, văn hóa.

Theo Trưởng phòng Kinh tế TP. Huế, ông Đồng Sĩ Toàn, thành phố đang tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh và nâng cao giá trị ngành thủy sản; bảo tồn và phát huy nghề và làng nghề truyền thống phục vụ du lịch. Trong đó, đầu tư xây dựng các dịch vụ hậu cần, logistic, phát triển cảng cá Thuận An; xây dựng hạ tầng kho bãi, trung chuyển ở Thủy Bằng; khai thác lợi thể ẩm thực tại Cồn Tè (Hương Phong); hình thành các tour du lịch sinh thái các khu vực Khe Ngang (Hương Hồ), khu vực hồ Khe Rưng kết hợp tham quan di tích tại Hương Thọ.

Giai đoạn đầu, thành phố sẽ xây dựng và thực hiện đề án phát triển nông nghiệp bền vững, NNHC, nông nghiệp số, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn; liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ và phát triển du lịch, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân vùng nông thôn. Mặt khác, tăng cường ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp; ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, VietGAP, phát triển những sản phẩm đặc sản, có lợi thế của mỗi địa phương thành các sản phẩm OCOP; gắn phát triển nông nghiệp với du lịch, nhất là ở các địa bàn có lợi thế, thế mạnh về nông nghiệp.

Thúc đẩy nông nghiệp sạch

Đến nay, thành phố đã phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ, phát triển chăn nuôi ở các vùng ven thành phố theo hướng trang trại, tập trung, đảm bảo môi trường; nghiên cứu xây dựng phát triển nông nghiệp tại một số xã, phường theo hướng nông thị... Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí hiện hành; triển khai chính sách hợp tác, liên kết trong sản xuất, gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.

Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật, cùng với phát triển du lịch - dịch vụ và nông nghiệp, sau khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố tập trung phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái, bảo vệ tài nguyên rừng. Trong đó, hỗ trợ phát triển ngành nuôi trồng và khai thác, đánh bắt hải sản bền vững; chuyển đổi nghề khai thác thủy sản có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản; phát triển các nghề khai thác hải sản xa bờ, viễn dương theo hướng công nghiệp, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Theo đó, thành phố triển khai các chính sách hỗ trợ để trồng rừng gỗ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô và các giống cây bản địa, gắn trồng rừng với trồng cây dược liệu để nâng cao hiệu quả của nghề rừng. Tập trung phát triển lợi thế vùng đầm phá, bảo tồn phát huy lợi thế khu vực Rú Chá thành khu vực phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn và hệ sinh thái thảm cỏ biển phục vụ du lịch, dịch vụ và hỗ trợ kết nối tiêu thụ thủy sản trên địa bàn.

Sắp tới, thành phố triển khai xây dựng, phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm thủy đặc sản đầm phá; tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC, trồng cây bản địa; phát triển trồng dược liệu dưới tán rừng, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu tiến tới hình thành vùng nguyên liệu dược phục vụ công nghiệp chế biến dược liệu của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục đầu tư phát triển trồng rừng ven biển, đầm phá góp phần giảm thiểu tác hại do thiên tai, biến đổi khí hậu; hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp chế biến lâm sản và các sản phẩm từ gỗ có lợi thế ở Hương Hồ, Thủy Bằng và Hương Thọ cũng như các địa phương có nhiều lợi thế.

Bài, ảnh: Thanh Hương