Ấn Độ cấm nhiều loại nhựa dùng một lần để xử lý rác thải. Ảnh minh họa: iStock/TTXVN/Vietnam+

Động thái được triển khai trong bối cảnh mỗi năm, Ấn Độ tạo ra khoảng 4 triệu tấn chất thải nhựa, khoảng 1/3 trong số đó không được tái chế và cuối cùng trôi theo các tuyến đường thủy và vào bãi chôn lấp thường xuyên bị đốt cháy, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí.

Những con bò đi lạc đang nhai nhựa là cảnh tượng thường thấy ở các thành phố của Ấn Độ và một nghiên cứu gần đây đã tìm thấy dấu vết của nhựa trong phân voi ở các khu vực phía Bắc bang Uttarakhand.

Tuy những ước tính là khác nhau, song khoảng một nửa lượng nhựa là đến từ những sản phẩm dùng một lần. Lệnh cấm mới được nước này áp đặt bao gồm việc sản xuất, nhập khẩu và bán các đồ dùng phổ biến như ống hút nhựa, cốc làm từ nhựa, cũng như bao bì thuốc lá.

Hiện tại, lệnh cấm được miễn cho các sản phẩm nhựa dưới một độ dày nhất định và bao bì nhiều lớp.

Theo đó, các nhà chức trách Ấn Độ đã cam kết sẽ đàn áp mạnh tay sau khi lệnh cấm nhựa dùng một lần được công bố lần đầu tiên vào năm 2018 bởi Thủ tướng Narendra Modi chính thức có hiệu lực.

Từ ngày 1/7, các thanh tra sẽ tiến hành kiểm tra để xác nhận rằng không có bất kỳ nhà cung cấp hoặc nhà phân phối nào đang vi phạm các quy tắc. Những hành vi cố tình vi phạm sẽ đối mặt với nguy cơ bị phạt hành chính lên đến 10.000 Rupee (tương đương với 1.265 SGD), hoặc phạt tù 5 năm.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)