Trong cái nhìn tổng quan về sự phát triển, theo TS Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh thì sau 7 năm thực hiện NQ 06 về Chương trình hành động để thực hiện Chiến lược biển của Tỉnh ủy, tính đến cuối năm 2014, đội tàu cá xa bờ sau 7 năm đã tăng hơn 2,5 lần và đây là bước tăng trưởng không chỉ ngoạn mục mà còn rất bền vững. 35.887 tấn là tổng sản lượng khai thác thủy sản thực hiện trong năm 2014. Giá trị sản xuất khai thác thủy sản thực tế năm 2014 toàn tỉnh đạt 1.460 tỷ đồng, tỷ trọng chiếm gần 18% toàn ngành. Nếu làm một phép so sánh thì tỷ trọng này trên của toàn quốc là 9,5%. Trên địa bàn tỉnh, tỷ trọng “áp đảo” thuộc về trồng trọt và chăn nuôi (khoảng 60%), sau đó là khai thác thủy sản rồi mới đến nuôi trồng (khoảng 13%) và lâm nghiệp (khoảng từ 6-7%). Thông tin đáng mừng là trong năm qua, có tàu đánh bắt xa bờ cho thu nhập rất cao khi thuyền viên tham gia (đi bạn) được chia trên dưới 50 triệu đồng/tháng.
Những con số này cho thấy, đã có bước thay đổi lớn trong thu nhập so với trước đây và hiện tại, đây cũng chính là yếu tố tạo sức hút trở lại đối với nghề cá trên biển. Tuy nhiên, trong một cái nhìn lâu dài để phát huy nguồn lực khai thác thủy sản nói chung và lao động nghề cá nói riêng, nhất là trong đánh bắt xa bờ của tỉnh nhà, cần có một chiến lược tốt hơn về nguồn lực. Sự lôi kéo trở lại của nghề đánh bắt xa khơi là có, nhưng gần như mới chỉ tập trung ở con số nhỏ. Hơn nữa, trong khi nguồn lực mới chưa nhiều, chắc chắn sẽ có sự chia sẻ giữa các đội tàu và từ đó, sẽ gây nên những bất ổn cục bộ về nhân lực.
Bên cạnh những căn nguyên về tâm lý lao động nghề (vất vả, gian khổ), mức độ của sự cần cù, thể lực, sự chịu đựng sóng gió và khả năng tích lũy kinh nghiệm trong các chuyến biển dài ngày, ngư dân hiện nay cũng cần có thêm kỹ năng và trình độ để ứng dụng khoa học, công nghệ, máy móc, thiết bị… vận hành trên biển đang ngày một hiện đại hơn. Trong khi đó, hầu hết lao động nghề biển chưa được đào tạo một cách bài bản, phần lớn là tự tích lũy kinh nghiệm hoặc được truyền nghề. Hiện vẫn chưa có khoa hay chương trình đào tạo về đánh bắt xa bờ để có những con người cụ thể, vận hành tốt và nâng cao chất lượng, hiệu quả đánh bắt. Đây có lẽ cũng là điều cần được đặt ra trong cơ cấu ngành nghề đào tạo ở bậc đại học (chẳng hạn như Trường đại học Nông lâm).
Trong một chiến lược dài hơn, xa hơn, lao động nghề cá trên biển không chỉ đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của tỉnh nhà dựa trên tiềm năng sẵn có mà còn đóng góp quan trọng vào an ninh trên biển, vào bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.