Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến cuộc sống Nhân dân, tôn trọng ý kiến và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Ảnh: danvan.vn

“Dân chủ là của quý báu nhất của Nhân dân”

 Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân chủ là của quý báu nhất của Nhân dân”[i], vì đó là lý tưởng, là ước vọng của toàn thể Nhân dân về một xã hội tốt đẹp trong tương lai sau thời kỳ lịch sử dài xã hội Việt Nam bị chế độ quân chủ và hệ thống quan liêu phong kiến trùm lên. Người cho rằng: dân chủ là phương cách hữu hiệu nhất để giải quyết mọi khó khăn vì Người tin ở dân, dựa vào dân. Đối với Hồ Chí Minh, “Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”[ii]. Người đã tổng kết rất xác đáng rằng: “Thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”[iii].

Trong những hoạt động của Đảng và các cấp chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc thực hành dân chủ, mở rộng dân chủ. Người nhấn mạnh: “Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân”[iv]. Từ năm 1951, khi yêu cầu Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh, Người đã lên án hiện tượng một số cán bộ “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối "quan" chủ. Miệng thì nói "phụng sự quần chúng", nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ.”[v].

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tác phong của những “ông quan liêu” là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách”[vi]. Từ đó dẫn đến việc lãnh đạo điều hành theo cảm tính, mệnh lệnh, “độc tài”, dẫn đến nhiều hành vi sai trái. Những điều Người đã dự liệu, cảnh báo chúng ta từ rất sớm đến nay vẫn mang tính thời sự. Các sự vụ lợi dụng chức quyền để o ép dân chúng, tham ô và nhận hối lộ, coi thường và dẫn đến xâm phạm lợi ích chính đáng của công dân, vi phạm chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước, bất chấp pháp luật... không phải là ít gặp, nhất là ở cấp cơ sở.

Công cụ để “dân giám sát”

Nhiều sai phạm đã xảy ra (chỉ nêu những vụ việc gần đây nhất) như đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, mua bán, đấu thầu thiết bị y tế, mua bán tài sản công… đều có điểm chung là không công khai, không minh bạch, không có sự giám sát của các cơ quan có trách nhiệm và Nhân dân.

Khá nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật và pháp luật, phải xử lý nghiêm khắc. Đa số những người này có vi phạm kéo dài với nhiều hành vi, cho đến khi bị phát hiện. Điều đáng nói là cấp dưới, người cùng chi bộ, cùng cơ quan thường xuyên gần gũi hiểu rõ tính cách cũng như những công việc làm của nhau nhưng lại không đấu tranh phê bình, không (hoặc không dám) phát giác do cơ chế hoạt động mất dân chủ, do sợ bị ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân, sợ bị trù dập.

Mất dân chủ (từ cơ sở) khiến cho Nhân dân mất vai trò giám sát, dù có ý kiến cũng không dám nói, không “có cửa mà nói”, nói cũng không được bảo vệ… Mất dân chủ dẫn đến không thực hiện tốt chức năng giám sát lại là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc không kịp thời ngăn ngừa những vi phạm. Vì không được phát hiện, giám sát và quyền lực không được kiểm soát nên những cán bộ, đảng viên có chức có quyền lại càng “tự tung tự tác”, sai phạm nối tiếp nhau, “cái sảy nảy cái ung” dẫn đến xảy ra sai phạm kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng. Chính sự quan liêu, chuyên quyền, độc đoán (chủ yếu từ người đứng đầu) đã làm xấu đi bầu không khí dân chủ trong hoạt động của tổ chức đó.

Nhiều phép cộng của các sai phạm cụ thể làm "ô nhiễm" bầu không khí dân chủ chung của cả xã hội. Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ (từ) cơ sở sẽ giúp làm chuyển biến điều này. Nếu thực hiện tốt dân chủ (từ) cơ sở, công khai, minh bạch để người dân có đủ thông tin, nắm được nguyên tắc hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc sử dụng các nguồn lực công, trong các quyết định có liên quan đến người dân, đến cộng đồng thì chắc chắn sẽ giảm thiểu được những sai phạm.

Soạn thảo và tiến đến ban hành và thực thi Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở thực chất là sự phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống về mọi mặt của người dân qua xử lý tốt mối quan hệ giữa Nhân dân với chính quyền, với các cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức đoàn thể xã hội. Ở đây, yếu tố con người là trung tâm và Dự án luật này đã lấy vai trò chủ thể chủ đạo, trung tâm là Nhân dân trong tổng thể cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ.

Ngô Vương Anh


 

 [i] Hồ Chí Minh - Toàn tập ­– Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, tr. 457

[ii] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Sdd, Tập 5, tr 284

[iii] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Sdd, Tập 15, tr. 325

[iv] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Sdd, Tập 7, tr 67

[v] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Sdd, Tập 6, tr. 176

[vi] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Sdd, Tập 13, tr. 417