Cấp sổ đỏ cho người dân tại Chung cư Aranya

Doanh nghiệp kêu khó

Hiện nay, trên địa bàn có 4 DA NOXH đã được triển khai và hoàn thành; tuy nhiên mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu về NOXH cho người dân. Ngoài ra, tỉnh đã có chủ trương kêu gọi đầu tư 5 DA bao gồm: DA XH1 khu B, XH1 khu E, XH1 khu C, Khu Bàu Vá, NOXH ở Hương Sơ. Tuy nhiên do vướng thủ tục đấu thầu, đầu tư thay đổi nên chưa có DA nào triển khai thực hiện.

Theo quy định, khi DN, HTX tham gia đầu tư xây dựng NOXH sẽ được hưởng các ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng NOXH. Được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN theo quy định của pháp luật về thuế; được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam. Trường hợp xây dựng NOXH để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng NOXH để cho thuê mua, bán.

Ngoài ra, DN đầu tư NOXH còn được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi DA xây dựng NOXH; trường hợp xây dựng NOXH để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí này và nhiều ưu đãi khác.

Thực tế các chính sách này không dễ tiếp cận. Bởi, các DA NOXH thường vướng thủ tục trong xác định giá bán, khiến DN khó quyết toán. Với DN làm NOXH cho thuê được giảm 70% thuế giá trị gia tăng, nhưng luật thuế lại không có quy định này. Không những vậy, hiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư, các nguồn vốn ưu đãi xây dựng NOXH chưa đủ hấp dẫn DN. Từ sau khi gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng kết thúc, việc phân bổ nguồn vốn để phát triển NOXH cũng gặp nhiều hạn chế.

Ông Chu Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Công ty Aranya Việt Nam chia sẻ, quá trình triển khai DA NOXH tại Thừa Thiên Huế, DN gặp rất nhiều khó khăn. Khi bắt tay triển khai DA thì dòng vốn ưu đãi 30.000 tỷ đồng đầu tư phát triển NOXH không còn, DN chỉ tận dụng được dòng vốn thương mại. Các ưu đãi hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng trong và ngoài hàng rào DN cũng chưa tiếp cận được. Chưa kể khi triển khai DA NOXH, DN phải tuân thủ rất nhiều ràng buộc, trong khi đầu tư NOXH lợi nhuận mang lại thấp, bị giới hạn về đối tượng khách hàng.

Chưa nói, để xây dựng một DA NOXH từ khi làm thủ tục tới khi hoàn thành mất rất nhiều thời gian. Quá trình thực hiện, DA NOXH cần thêm một số thủ tục như phê duyệt giá, danh sách khách hàng hay quy định mỗi DA phải dành một phần diện tích nhà cho thuê nên nhiều DN không mấy "mặn mà".

Người dân khó tiếp cận vốn

Không chỉ DN mà bản thân người mua nhà cũng gặp khá nhiều khó khăn trong tiếp cận các DA NOXH, khi số lượng DA ít mà nhu cầu lại cao. Một thực tế khác, dù chính sách hỗ trợ vay vốn NOXH đang được triển khai song sau khi kết thúc gói 30.000 tỷ đồng, người dân rất khó tiếp cận chương trình cho vay NOXH để mua nhà tại các DA NOXH (chủ yếu vay xây dựng, cải tạo nhà ở).

Theo lý giải từ phía Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, DN đầu tư NOXH đa phần đã thế chấp tài sản là DA cho ngân hàng thương mại, nên người mua nhà chỉ có thể vay vốn tại ngân hàng mà DA đã thế chấp tài sản. Muốn vay được từ chương trình cho vay NOXH, chủ đầu tư phải hỗ trợ khách hàng thực hiện giải chấp cho căn hộ đó, kèm theo đó là nhiều thủ tục giấy tờ khác cần sự phối hợp hỗ trợ từ các bên liên quan nên người mua nhà cũng không mấy mặn mà.

Người thuê, mua NOXH cũng gặp thêm khó khăn khác khi mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 20/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách NOXH. Theo đó, từ năm 2022, người vay vốn để mua, thuê mua NOXH sẽ không còn được vay vốn tín dụng ưu đãi tại các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định, mà chỉ được vay vốn ưu đãi để “xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở”. Chính quy định này, khiến cơ hội sở hữu nhà ở của người nghèo, người thu nhập thấp và trung bình ngày càng xa vời.

Mua nhà tại các DA NOXH gặp khó, người dân chỉ có sự lựa chọn là mua đất xây dựng nhà ở, trong khi giá nhà đất đang leo thang khiến giấc mơ an cư càng xa vời. Chưa nói, nguồn vốn cho vay NOXH cũng rất khiêm tốn. Số liệu từ NHCSXH tỉnh cho thấy tính đến cuối tháng 4/2022, chương trình cho vay NOXH mà NHCSXH tỉnh triển khai chỉ có dư nợ gần 131 tỷ đồng. Con số này khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của người dân. Theo kết quả đánh giá của Sở Xây dựng trong chương trình nhà ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, nhu cầu vốn phát triển các DA NOXH đến năm 2025 khoảng 2.670 tỷ đồng và khoảng 33.059 tỷ đồng cho phát triển nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

(Còn nữa)