Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất ô tô điện. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Trong đó, báo cáo có tiêu đề “Thực hiện phục hồi xanh ở Đông Nam Á” đã xem xét những cách thức mà tăng trưởng xanh có thể hỗ trợ các quốc gia trong việc thực hiện phục hồi kinh tế từ những tác động của đại dịch COVID-19. Báo cáo xác định 5 lĩnh vực hỗ trợ sự phục hồi hậu COVID-19 thông qua sự phát triển xanh hơn, đó là: nông nghiệp hiệu quả và tái tạo, các đại dương lành mạnh và hiệu quả, phát triển đô thị bền vững và những mô hình giao thông vận tải, các mô hình kinh tế tuần hoàn, cũng như năng lượng tái tạo và hiệu quả.

Phát biểu tại một hội thảo do ADB và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) phối hợp tổ chức, Tổng Giám đốc ADB khu vực Đông Nam Á Ramesh Subramaniam cho rằng: “Báo cáo này nhấn mạnh những ưu tiên chính sách chính đối với các nền kinh tế Đông Nam Á, có thể giúp đảm bảo những nguyện vọng về kinh tế xã hội và môi trường đều được đáp ứng trong quá trình theo đuổi phục hồi kinh tế”.

"Trong khi một số quốc gia trong khu vực đã bắt đầu hỗ trợ sự phục hồi xanh, vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa. Chúng ta cần khuyến khích thêm các biện pháp kích thích xanh, thiết kế những chương trình định giá carbon, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, đồng thời thu hút các nhà đầu tư khu vực tư nhân vào những dự án năng lượng tái tạo, giao thông bền vững và đô thị sạch quy mô lớn”, ông Ramesh Subramaniam nói thêm.

Bên cạnh đó, báo cáo của ADB cũng lưu ý, nếu không có hành động phối hợp nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng môi trường về biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, triển vọng tăng trưởng dài hạn của khu vực này có thể bị hạn chế. Sự phục hồi xanh từ đại dịch COVID-19 đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo một tương lai linh hoạt về mặt kinh tế và môi trường.

Ngoài ra, những lựa chọn chính sách khác được xác định trong báo cáo bao gồm tăng cường nghiên cứu về các công nghệ xanh, khuyến khích nữ doanh nhân tham gia vào những cơ hội kinh doanh xanh, đồng thời quản lý đa dạng sinh học tốt hơn thông qua các hệ thống dữ liệu mở và tích hợp.

Để thực hiện phục hồi xanh, các Chính phủ Đông Nam Á cần xác định những nguồn tài chính bền vững, sẽ tài trợ cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng thân thiện với khí hậu và tận dụng các cơ hội tăng trưởng xanh. Những phương pháp tiếp cận tài chính cần bao gồm việc huy động nguồn lực trong nước thông qua thuế môi trường và carbon, giảm trợ cấp dành cho  nhiên liệu hóa thạch, huy động các nhà đầu tư tư nhân bằng cách giải quyết những rủi ro liên quan đến đầu tư xanh, tận dụng tài chính công và tư thông qua các quỹ xanh như Quỹ Tài chính xanh xúc tác ASEAN (ACGF). Cuối cùng, cần tăng cường sự hợp tác mạnh mẽ giữa các nền kinh tế láng giềng và những quan hệ đối tác mới với các bên liên quan, nhằm đảm bảo lợi ích tích lũy trên toàn khu vực.

THANH NGÂN

(Lược dịch từ adb.org)