Việc quảng bá, truyền thông tốt sẽ giúp bảo tàng thu hút du khách, lan tỏa được thương hiệu

“Nhìn chung hoạt động truyền thông của bảo tàng chưa chuyên nghiệp, chưa có chiến lược rõ ràng trong từng giai đoạn nhất định…”, bà Đinh Thị Hoài Trai đã thừa nhận như thế khi nói về câu chuyện truyền thông của Bảo tàng Mỹ thuật Huế.

Lúng túng trong công tác truyền thông

Đó không chỉ là câu chuyện riêng của Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cũng thừa nhận từng có giai đoạn lúng túng trong công tác truyền thông.

Được xem là “non trẻ” khi mới ra đời gần được 4 năm, thuật ngữ “truyền thông” với Bảo tàng Mỹ thuật Huế còn chưa phổ biến, một số sự kiện gọi là truyền thông cho có chứ chưa thật sự bài bản, chưa có chiến lược hay kế hoạch rõ ràng.

Bà Lê Thị Ngọc Viễn, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế cho biết, liên quan đến công tác truyền thông, bảo tàng đã thiết lập quan hệ báo chí, đưa tin các sự kiện lên trang web bảo tàng, thu thập ý kiến đóng góp của khách tham quan… Tuy nhiên, theo bà Viễn, công tác đó được thực hiện chưa liên tục, chưa có chiến lược và kế hoạch cụ thể. Các công việc liên quan đến truyền thông marketing như nghiên cứu thị trường, nghiên cứu các nhóm công chúng khác nhau, nghiên cứu nhu cầu của khách tham quan, xây dựng thương hiệu, phát triển ý tưởng và nội dung trưng bày… chưa phát huy hiệu quả tối đa.

Tương tự, dù nhận biết công tác truyền thông, xây dựng và quảng bá hình ảnh có vai trò quan trọng nhưng quá trình thực hiện Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cũng đã bộc lộ nhiều mặt hạn chế, thiếu và yếu cần được đổi mới hoặc làm tốt hơn, đầu tư nhiều hơn nữa. Theo bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, dù có nhiều bước tiến trong công tác truyền thông từ kết nối báo chí, quảng bá hình ảnh thông qua kết nối các đơn vị lữ hành, mạng xã hội… nhưng ít nhiều vẫn còn lúng túng.

“Một số khâu công tác truyền thông của đơn vị còn chậm và dè dặt kiểu ném đá dò đường nên đã bỏ lỡ một số cơ hội truyền thông tốt, chậm trong việc ứng dụng công nghệ số vào công tác thuyết minh tự động phục vụ khách tham quan. Các ấn phẩm quảng bá còn đơn điệu, chưa có mặt hàng lưu niệm đặc trưng và quầy hàng lưu niệm phù hợp với đặc điểm của bảo tàng”, bà Trinh chỉ rõ.

Trong khi đó, đại diện Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, khó khăn nhất nằm ở câu chuyện nhân sự truyền thông chuyên nghiệp. Bởi lẽ, nhân sự làm truyền thông hiện tại thiếu kinh nghiệm, chưa đủ kiến thức truyền thông toàn diện và chưa thực sự cảm nhận về mức độ “lớn” của một chiến dịch truyền thông kỹ thuật số.

Cần có chiến lược dài hạn, bài bản

Dù đối mặt với khó khăn, thách thức nhưng các bảo tàng xác định phải tìm một hướng đi sao cho phù hợp vì truyền thông có vai trò quan trọng, là sự sống của của bảo tàng. Bà Viễn nói rằng, trong tình hình hiện tại dù Bảo tàng Mỹ thuật Huế chưa có đội ngũ cán bộ viên chức làm công tác truyền thông, nhưng sẽ lên kế hoạch kết nối với đội ngũ tình nguyện viên làm công tác truyền thông. Thông qua đội ngũ này kết nối công chúng với bảo tàng.

Ngoài ra, đứng trước xu thế chung, bảo tàng đã và đang tiến hành lập tài khoản cho các trang mạng xã hội… “Bên cạnh đó bảo tàng luôn cố gắng tìm cơ hội mời các chuyên gia về truyền thông marketing hướng dẫn xây dựng các hoạt động cho cán bộ bảo tàng, đồng thời tham gia các hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm với các bảo tàng bạn, các đơn vị cùng lĩnh vực hoạt động để học hỏi thêm những kinh nghiệm trong công tác truyền thông maketing”, bà Viễn nói.

Từ câu chuyện truyền thông của các bảo tàng, TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – một trong những bảo tàng “anh đầu chị cả” của mỹ thuật Việt Nam cho rằng, cần phải có một chiến lược truyền thông dài hạn, bài bản. Ngay ở bảo tàng này, có riêng một phòng truyền thông – đối ngoại với đội ngũ làm truyền thông chuyên nghiệp nên đã lan tỏa được hình ảnh của bảo tàng đến với công chúng một cách rõ rệt.

Theo TS. Minh, ngoài tận dụng mạng xã hội và trang web, bảo tàng duy trì quan hệ chặt chẽ với các cơ quan báo chí từ Trung ương cho đến địa phương. Nhờ vậy mà các tin tức, sự kiện của đơn vị được chuyển tải một cách nhanh chóng, kịp thời đến công chúng trong và ngoài nước. “Việc duy trì hợp tác chặt chẽ với báo chí cũng là công cụ quan trọng hỗ trợ tích cực cho bảo tàng trong việc cung cấp những phát ngôn chính thức của bảo tàng đến với công chúng nhanh nhất, trước những sự việc có khả năng gây tranh luận, ảnh hưởng tới hình ảnh và uy tín của bảo tàng”, TS. Minh khẳng định.

Vì thế, ông Minh chia sẻ, hệ thống các bảo tàng mỹ thuật như Huế, Đà Nẵng ngay từ bây giờ cần nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển truyền thông dài hạn. Trong đó, cần lưu ý đặc biệt phát triển truyền thông số và mở rộng quan hệ công chúng.

Bài, ảnh: NHẬT MINH