Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế 

Tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cùng Chánh Thanh tra tỉnh Lương Bảo Toàn và lãnh đạo thanh tra các sở, ngành, địa phương.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ, 6 tháng qua toàn ngành đã triển khai 4.257 cuộc thanh tra hành chính và 77.770 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 25.022 tỷ đồng, 9.623ha đất; qua đó, kiến nghị thu hồi 10.268 tỷ đồng và 134ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 14.753 tỷ đồng, 9.489ha đất; ban hành 57.154 quyết định xử lý vi phạm hành chính với số tiền 4.243 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 163 vụ/89 đối tượng.

Đáng chú ý, về công tác phòng ngừa tham nhũng, trong 6 tháng đầu năm, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 15.330 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng. Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, trong kỳ báo cáo có 22 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 18 người. Ngành thanh tra tiếp tục hướng dẫn các cơ quan nhà nước và chỉ đạo cơ quan thanh tra tăng cường việc phát hiện và xử lý tham nhũng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các cơ quan hành chính nhà nước phát hiện 30 vụ việc, 40 người có dấu hiệu tham nhũng.

Tại Thừa Thiên Huế, trong 6 tháng đầu năm 2022, Thanh tra tỉnh thực hiện 15 cuộc thanh tra; trong đó 9 cuộc năm 2021 chuyển sang và 6 cuộc triển khai trong kỳ, 11 cuộc theo kế hoạch và 4 cuộc đột xuất do UBND tỉnh giao. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm trên các lĩnh vực với tổng số tiền 482 triệu đồng và vi phạm trong quản lý, sử dụng đối với gần 4.350 ha đất lâm nghiệp.

Đã xử lý thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền 292,5 triệu đồng, xử lý khác 189,75 triệu đồng; kiến nghị thu hồi 102ha đất lâm nghiệp và khắc phục, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đối với 4.248 ha đất lâm nghiệp theo đúng quy định; kiến nghị tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của 53 tập thể, 143 cá nhân đã để xảy ra các sai phạm; chuyển 2 vụ việc với 4 đối tượng sang cơ quan điều tra.

Kết luận tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định, phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thanh Tra năm 2022. Do đó sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng theo tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, trong đó chú ý thực hiện có hiệu quả những quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Các đơn vị thuộc ngành thanh tra cần đôn đốc, hướng dẫn các cấp, các ngành thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và tăng cường phát hiện tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cơ quan điều tra xử lý, không chờ ban hành kết luận thanh tra; Tập trung ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong thực thi công vụ.

“Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, của Chính phủ, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ ban ngành, địa phương và nỗ lực, quyết tâm của cán bộ đảng viên toàn ngành, ngành Thanh tra sẽ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 2022, góp phần nâng cao vị thế ngành Thanh tra trong việc ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế-xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên cả nước”- Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu quyết tâm.

Tin, ảnh: Thái Bình