Máy sản xuất phân viên dúi do nguồn vốn KC hỗ trợ một phần kinh phí đã đưa vào hoạt động tại huyện miền núi Nam Đông

Sau khi thẩm định đề án và khảo sát vùng nguyên liệu sản xuất trà cũng như nhu cầu thị trường, Sở Công thương đồng ý phê duyệt đề án hỗ trợ máy móc thiết bị sản xuất trà rau má cho HTX Quảng Thọ II (huyện Quảng Điền) với tổng kinh phí hỗ trợ 100 triệu đồng trên tổng kinh phí đầu tư 235 triệu đồng. HTX đã đầu tư hệ thống máy sấy rau tự động và máy hàn nhãn bao, bắt tay sản xuất trà, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận. Sau khi có máy móc thiết bị, HTX sản xuất thành công 2 loại trà rau má là trà túi lọc và trà sấy khô cung ứng cho các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và đang mở rộng thị trường vào tận Gia Lai, TP Hồ Chí Minh thông qua các hội chợ triển lãm do Sở Công thương làm cầu nối.

Gần 10 năm nay, nguồn vốn KC đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo động lực để các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư vốn để trang bị máy móc hiện đại sản xuất ra nhiều sản phẩm mới phục vụ thị trường. Những thương hiệu như rượu gạo Thủy Dương, rượu gạo Làng Chuồn, dầu tràm Lộc Thủy, phân viên dúi Nam Đông, điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên, chiếu nhựa Thủy Dương… là những thương hiệu được thụ hưởng nguồn hỗ trợ của đề án KC cả về đào tạo nghề, đầu tư máy móc thiết bị và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Ông Nguyễn Lương Trí, Chủ nhiệm HTX Quảng Thọ II cho biết: “Trà rau má là một trong những đặc sản Huế rất được thị trường các tỉnh đón nhận và ưa thích với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Hiện, mỗi tháng HTX tiêu thụ từ 1-2 tấn trà thành phẩm, đồng thời triển khai các thủ tục kiểm nghiệm để đưa sản phẩm vào 2 siêu thị lớn của Huế là Big C và Co.opMart phục vụ khách và quảng bá thương hiệu trà rau má “made in Huế”.

Bên cạnh sản phẩm trà rau má, thương hiệu máy ép củi trấu “made in Huế” không còn xa lạ đối với người dân trong và ngoài tỉnh. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ sản xuất máy ép củi trấu thử nghiệm của đề án KC vào năm 2010 cho DNTN Bạch Lai ở xã Quảng An (Quảng Điền), đến nay mô hình này được nhân rộng và phát triển với trên 100 máy ở khắp các tỉnh, TP trong cả nước. Chủ DNTN Bạch Lai - Trần Đình Lai khẳng định: “Đây là nguồn hỗ trợ kịp thời giúp DN có thêm kinh phí sản xuất thử nghiệm trước khi chế tạo thành công các thiết bị máy móc. Bởi, để sản xuất thành công máy ép củi trấu như ngày nay, DN phải trải qua gần nửa năm để nghiên cứu, thử nghiệm nhiều phương pháp mới, tìm ra các thông số kỹ thuật cơ bản tiết giảm nhiên liệu, cho năng suất cao nhất giúp các cơ sở phát triển sản xuất. Mặc khác, thông qua đề án KC, DN nhận thêm nhiều đơn đặt hàng của các cơ sở để nâng cao tay nghề, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất và tạo ra nhiều sản phẩm máy móc hiện đại cung ứng ra thị trường”.

Ông Nguyễn Lương Bảy, Giám đốc Trung tâm KC & Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: “Mỗi năm, nguồn vốn KC địa phương hỗ trợ cho khoảng 30- 35 cơ sở công nghiệp nông thôn với tổng mức hỗ trợ trên dưới 3 tỷ đồng. Cái được lớn nhất của đề án đó là các cơ sở tận dụng nguồn vốn đúng mục đích và hiệu ứng từ các thiết bị hỗ trợ cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho cả DN và người sử dụng, đồng thời tạo đà để các DN đầu tư vốn phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển giá trị sản xuất công nghiệp- TTCN và giải quyết việc làm ở khu vực nông thôn.”

Bài, ảnh: Thanh Hương