Khi những KCN chưa có hệ thống XLNT tập trung, lẽ hiển nhiên là những dự án thứ cấp phải “tự túc” đảm bảo XLNT đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Song cũng lắm lúc, hạ tầng xử lý nội bộ của các nhà máy gặp sự cố thì cộng đồng người dân sinh sống, sản xuất nông nghiệp xung quanh khu vực các nhà máy lãnh đủ hệ quả.

Vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Phú Bài

Còn quá bấp bênh

Chưa nói đến hệ lụy về môi trường sau này hay ảnh hưởng đến uy tín, kế hoạch sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN), mà tác hại nhãn tiền của ô nhiễm nước thải công nghiệp chính là ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của cộng đồng dân cư.

Nhiều năm qua, ô nhiễm nguồn nước trên một số nhánh sông, khe, hói, kênh mương... như ở TX. Hương Thủy, Phú Lộc, Phú Vang, TX. Hương Trà, Phong Điền đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân trong vùng. Hệ thống nước mặt tự nhiên ở những khu vực có các nhà máy, các khu, cụm công nghiệp hoạt động thỉnh thoảng xuất hiện màu nước đen, nổi váng, sủi bọt, bốc mùi hôi. Nhất là về mùa hanh khô, tình trạng này càng nghiêm trọng hơn. Cây cối hư hại, cá chết do nhiễm nước độc vẫn diễn ra ở lân cận các KCN như Phong Điền, Phú Vang, Hương Trà... Nguyên nhân được xác định phần lớn là do nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp xả ra môi trường chưa qua xử lý hoặc gặp sự cố trong quá trình xử lý nước thải nội bộ.

Cách đây khoảng 2 năm, Sở TN&MT tiến hành kế hoạch thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với một số cơ sở SXKD trên địa bàn tỉnh. Kết luận thanh tra, đã có một số cơ sở sản xuất ở khu, cụm công nghiệp vi phạm và bị xử phạt hành chính. Trong đó, có Nhà máy May Phú Đa thuộc Công ty CP Dệt May Thiên An Phú đóng tại KCN Phú Đa (Phú Vang) xả nước thải có thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra môi trường.

Cùng đợt thanh tra này, nhà máy sản xuất và gia công sản phẩm may mặc - Công ty Scavi Huế đóng tại KCN Phong Điền dù đã xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải tập trung có công suất 650m3/ngày đêm, song do quá trình vận hành xử lý chưa đảm bảo nên kết quả tại thời điểm lấy mẫu đã có thông số vượt quy chuẩn cho phép.

Gần đây nhất là cuối năm 2021, đầu năm 2022, một công ty chế biến thủy sản đông lạnh tại KCN Phong Điền và công ty may gia công đóng tại KCN Phú Đa cũng bị "tuýt còi" do xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến đời sông, sản xuất của người dân. 

Các kết quả phân tích mẫu tại các đơn vị kể trên đều vượt quy chuẩn Việt Nam (QCVN), nhưng trên thực tế, các đơn vị đều đã được cấp giấy phép xả thải đúng quy định. Đơn cử, Nhà máy May Phú Đa - Công ty CP Dệt may Thiên An Phú đã được UBND tỉnh cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, cụ thể được thải vào sông Phú Thứ đoạn qua thị trấn Phú Đa với lưu lượng xả nước thải lớn nhất 50m3/ngày đêm, đảm bảo quy chuẩn quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN40:2011, giá trị C, cột A. Hay Nhà máy may của Công ty Scavi Huế cũng được UBND tỉnh cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước tại khe nước giáp bờ rào công ty. Điều này chứng tỏ một bất cập trong việc thiếu giám sát chất lượng các kết quả quan trắc, hậu kiểm, quá trình vận hành xử lý, nhất là đối với cơ sở có nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao khi chưa qua thêm "cửa" xử lý tập trung.

KCN và Khu phi thuế quan thuộc KKT Chân Mây - Lăng Cô hiện đã có hệ thống xử lý nước thải công suất 4.900m3/ngày đêm

Đầu tư nhỏ giọt

Còn nhớ cách đây khoảng 10 năm, lúc đó KCN Phú Bài chưa vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước trên sông Phù Bài bị ô nhiễm nặng. Nước đen đục, cá trên sông chết nổi lềnh bềnh suốt nhiều đợt. Nhiều ruộng lúa lấy nước từ sông Phù Bài cũng bị thối rễ, hư hại. Có những mùa vụ, dù người dân đang cần nước để tưới tiêu sản xuất nhưng buộc phải đóng cửa đập Cam Thu (trên sông Phù Bài) để ngăn nguồn nước ô nhiễm từ KCN Phú Bài làm ảnh hưởng đến nuôi trồng, sản xuất.

Phải đến sau này, khi tỷ lệ lấp đầy giai đoạn 1 KCN Phú Bài tương đối nhiều và sau nhiều lần bị Thanh tra Bộ TN&MT, UBND tỉnh ra quyết định xử phạt do vi phạm về xả nước thải, một số DN thứ cấp mới đầu tư hệ thống xử lý nước thải nội bộ. Tuy nhiên, một vài thông số sau xử lý và thải ra môi trường vẫn vượt tiêu chuẩn cho phép. Trước yêu cầu cấp bách, Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng KCN Phú Bài phải xúc tiến đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và sau đó tiếp tục đầu tư lắp đặt thêm module, nâng công suất lên 6.500m3/ngày đêm để đảm bảo xử lý nước thải cho các nhà máy đang hoạt động trong KCN Phú Bài. Hiện, có 100% các DN đang hoạt động đã đấu nối đầu ra nước thải vào nhà máy XLNT tập trung KCN Phú Bài.

KCN Phú Bài - Glimex cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị đền bù giải phóng mặt bằng để thi công dự án. KCN được quy hoạch hệ thống XLNT tập trung với công suất 7.600m3/ngày đêm, trong đó, giai đoạn 1 là 4.000m3/ngày đêm; giai đoạn 2 là 3.600m3/ngày đêm.

Ngoài KCN Phú Bài hiện còn có thêm 2 KCN khác, đó là KCN và Khu phi thuế quan thuộc KKT Chân Mây - Lăng Cô và KCN Tứ Hạ đã có hệ thống XLNT tập trung. Hệ thống XLNT tập trung KCN và Khu phi thuế quan - KKT Chân Mây - Lăng Cô theo quy hoạch có công suất 10.000m3/ngày đêm và hiện đã xây dựng giai đoạn 1 với công suất 4.900m3/ngày đêm, đang xử lý cho khoảng 10 DN thứ cấp trong KCN này. Tổng khối lượng nước thải được thu gom, xử lý trước khi thải ra môi trường khoảng 250m3/ngày đêm. Hệ thống XLNT tập trung KCN Tứ Hạ theo quy hoạch có công suất 4.000m3/ngày đêm đến nay đã được nhà đầu tư hạ tầng xây dựng module 1 của giai đoạn 1 với công suất 500m3/ngày đêm.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

(Còn nữa)