Tại Bến xe phía nam TP. Huế nhiều phương tiện chỉ hoạt động cầm chừng vì giá xăng dầu tăng
Thực tế tại doanh nghiệp vận tải
Dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp (DN) tăng dần là cơ hội để ngành vận tải hồi phục. Tuy nhiên, do giá xăng dầu tăng phi mã tạo nên "điểm nghẽn" trong quá trình phục hồi các DN vận tải.
Ông Lê Nam, Giám đốc DN Vận tải khách ô tô Tiến Đạt - Huế cho hay, đơn vị có hơn 130 phương tiện của các xã viên kinh doanh vận tải khách; trong đó có hơn 10% hoạt động tuyến liên vận Huế - Viêng Chăn và Pắc Xế (Lào). Hoạt động kinh doanh vận tải khách 2 năm qua gặp nhiều khó khăn, nhất là đại dịch COVID-19 đã làm gần 100% phương tiện “đắp chiếu”. Khi tình hình vận tải dần trở lại ổn định thì giá xăng dầu liên tục tăng làm các chủ xe rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan".
Để duy trì hoạt động, vừa qua DN này phải tăng giá cước lên hơn 20% để bù cho giá xăng dầu, nhưng thu vẫn chưa đủ bù chi vì lượng khách hiện vẫn chưa nhiều như trước. Phần lớn các tuyến cố định Huế đi các tỉnh phía bắc, lượng khách mới đạt khoảng 30-40%. Giám đốc DN Vận tải ô tô Tiến Đạt hy vọng thời gian tới, Nhà nước có các giải pháp để hỗ trợ DN vận tải vượt qua khó khăn.
Xe khách chạy tuyến cố định tại BX phía nam TP. Huế hoạt động kém hiệu quả vì giá nhiên liệu tăng
Đại diện Công ty CP Xe khách Thừa Thiên Huế nhận định, hoạt động kinh doanh đang gặp khó do giá xăng dầu tăng cùng các chi phí phát sinh khác. Trước đây, một chuyến Huế - Bình Phước và ngược lại chi phí khoảng 20 triệu đồng, nay tăng gần 37 triệu đồng vì giá xăng dầu tăng gần gấp đôi. Vị này cho rằng, khách đi lại hiện nay chưa nhiều, phần lớn nhà xe kiếm thu nhập nhờ chở hàng, nhưng chi phí lớn nên hoạt động không hiệu quả.
Ông Giáp Hòa, Giám đốc Taxi Vàng - Chi nhánh Huế chia sẻ, với tình hình giá xăng dầu tăng phi mã như hiện tại, các DN taxi chỉ có hai phương án, một là tăng giá cước, hai là chấp nhận lỗ. Tuy nhiên, dù chọn bất kỳ phương án nào thì ít nhiều DN cũng bị thiệt hại.
"Nếu không tăng giá cước, DN sẽ phải hỗ trợ tiền xăng cho tài xế, nhưng nếu hỗ trợ tiền xăng, DN phải chịu lỗ và cũng không biết lấy tiền đâu ra để hỗ trợ vì vừa chịu ảnh hưởng nặng do dịch COVID-19. Khó khăn bây giờ càng thêm chồng chất" - ông Hòa chia sẻ.
Sự cần thiết
Từ ngày 1/4, dù mỗi lít xăng dầu đã được giảm 50% thuế bảo vệ môi trường nhưng giá xăng vẫn liên tục tăng cao và lập mốc kỷ lục sau kỳ điều chỉnh giảm nhẹ vào chiều 1/7. Theo đó, giá xăng E5 RON92 giảm 411 đồng/lít; xăng RON95 giảm 110 đồng/lít. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng đã có 17 lần điều chỉnh giá...
TS. Nguyễn Đình Chiến, Phụ trách Khoa Kế toán - Tài chính, Trường đại học Kinh tế - Đại học Huế cho rằng, việc giá bán lẻ xăng dầu tăng do yếu tố của giá dầu thế giới tăng. Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước được cấu thành bởi nhiều yếu tố. Hiện nay, ngoài giá thành sản xuất, giá xăng dầu trong nước còn chịu những thuế, phí khác, trong đó có thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Muốn giảm gánh nặng chi phí và tháo gỡ cho DN thật sự thì cần xem xét bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm các thuế còn lại. Việc này có thể giảm thu ngân sách trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ tăng thu bởi sẽ được bù lại từ thuế thu nhập DN và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN được nâng lên, từ đó giúp ổn định vĩ mô nền kinh tế.
Trước đó, với các kiến nghị để giảm giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có giải trình tại phiên họp Quốc hội ngày 2/6. Theo đó, việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu là một trong nhiều giải pháp, mà muốn giảm giá xăng dầu thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, các loại thuế chiếm khoảng 28% trong giá xăng dầu, vừa qua đã giảm 50% thuế môi trường. Còn lại là thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, một số thuế khác thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tuy vậy, giảm thuế là một biện pháp mà Bộ Tài chính sẽ cân nhắc để đánh giá tác động; sẽ báo cáo Chính phủ để báo cáo Thường vụ Quốc hội về vấn đề giảm thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá xăng dầu.
Sáng 6/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ về dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, cùng với Báo cáo thẩm tra dự án Nghị quyết của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp đều nhất trí cao về việc phải ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với xăng dầu... so với quy định hiện hành. Theo đó, xăng (trừ etanol) giảm từ 2.000 đồng xuống còn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít còn 500 đồng/lít... Đây là mức giảm “kịch khung” thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo sự ủy quyền của Quốc hội. Nghị quyết này dự kiến có hiệu lực vào ngày 11/7 tới.
Bài ảnh: Song Minh