Dễ dãi

Ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển Du lịch, Sở VH,TT&DL cho rằng, quy trình cấp thẻ cho HDV hiện khá dễ dãi: “Trừ những người học cao đẳng, đại học chuyên ngành hướng dẫn được đào tạo sâu thì không nói. Chỉ cần có bằng tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, hoặc bằng đại học ngành khác và có chứng chỉ ngoại ngữ tương ứng cộng với tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch vài tháng, đảm bảo sức khỏe, lý lịch rõ ràng thì được cấp thẻ HDV. Nhiều người mới được cấp thẻ đã đi hướng dẫn trong lúc bản lĩnh, kiến thức không có, nghiệp vụ không ổn”.

Đưa khách tham quan Đại Nội

Cũng theo ông Trần Viết Lực, điều kiện quá dễ nên nhiều người học đại học từ xa, nói ngoại ngữ bập bẹ, kiến thức chuyên môn không vững cũng được cấp thẻ HDV. Những người học tiếng Anh, tiếng Pháp chỉ được đào tạo về ngoại ngữ. Chỉ vài tháng học nghiệp vụ không thể đào tạo bài bản về văn hóa lịch sử, nghiệp vụ, cách giao tiếp… trong khi nghề hướng dẫn đòi hỏi người HDV phải am hiểu, kiến thức rộng.

Tới kỳ hạn 3 năm, việc bồi dưỡng kiến thức định kỳ để đổi thẻ cũng mang tính hình thức. “Hai ngày bồi dưỡng cho 3 năm chẳng ăn thua, không trang bị cho HDV nhiều kiến thức, chỉ mang tính đối phó khi HDV cần đổi thẻ”, ông Nguyễn Hàng Quý, Giám đốc Công ty HG Huế trăn trở.

Ông Trần Viết Lực cho rằng, chất lượng sản phẩm du lịch phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ HDV. Nên chăng, phải thay đổi cách sát hạch chất lượng HDV. Để làm được điều này, cần có hội đồng sát hạch từ Trung ương.

Khó chế tài

Lượng HDV của Thừa Thiên Huế rất đông với khoảng trên 1.000 người được cấp thẻ, chưa kể HDV từ các nơi khác đến. Trong đó, phần lớn HDV hoạt động tự do. Nhiều người cho rằng, đội ngũ HDV tự do gần như thả nổi. Không thuộc sự quản lý của một công ty nào nên dễ rơi vào tùy tiện.

Chúng ta có thể học cách làm du lịch của Campuchia. Khi khách gặp sự cố do HDV hoặc HDV làm không tốt, sai hợp đồng thì cơ quan quản lý sẽ báo trực tiếp lên cơ quan cấp thẻ. Ngay lập tức, HDV vi phạm sẽ bị cảnh cáo. Qua vài lần thì sẽ bị thu hồi thẻ.
 
(Ông Nguyễn Hàng Quý – Giám đốc Công ty HG Huế) 

Theo ông Nguyễn Hàng Quý, hiện nay, không ai quản lý, kiểm tra chất lượng cũng như giám sát đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ HDV tự do. Có thẻ hành nghề, họ thích đi công ty nào thì đi, thích làm gì thì làm. Khi các công ty biết được HDV nào không tốt thì đã muộn. Điều này rất gay go. Chúng ta chưa có chế tài có tính chất răn đe nên ở khía cạnh nào đó, HDV rất tự tung, tự tác. 

Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Chi nhánh Vietravel tại Huế băn khoăn: Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ có thể xử phạt hành chính trong những trường hợp HDV hành nghề không có thẻ hoặc không có chương trình tour, vi phạm các quy định về thủ tục... Còn những hành vi vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp, cung cách phục vụ, thái độ, kiến thức nghề nghiệp thì chịu vì không có cơ sở nếu du khách không phản ánh. Thế nên, nhiều người trình độ năng lực kém, thiếu tư cách đạo đức vẫn nghiễm nhiên hành nghề. Ông Vĩnh Hoàng một hướng dẫn viên lâu năm trăn trở: “Áp dụng chế tài với những vi phạm về đạo đức rất khó. Làm sao đi kè kè họ để giám sát việc họ cò mồi, xin tiền hay thiếu nhiệt tình với khách. Phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn làm sao kiểm tra được”.

Để hạn chế tình trạng trên, Công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội đưa ra quy chế trả công tác phí tương đương với phản hồi của khách. Nếu HDV bị khách đánh giá dưới mức trung bình thì sẽ bị trừ phần trăm công tác phí. Tái diễn 3 lần như vậy thì sẽ bị cắt hợp đồng và không bao giờ công ty thuê nữa. Hoặc, các đơn vị lữ hành liên kết thông tin cho nhau để tẩy chay những HDV không tốt. Nếu nhân rộng hình thức này, các HDV khác sẽ thấy đó mà chấn chỉnh mình.

Nguyệt Tú