Người dân cầu nguyện gần khu tưởng niệm cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ngày 9/7/2022. Ảnh: AP/PLO
Mặc dù không có vai trò chính thức trong chính phủ Nhật Bản hiện tại, ông Abe vẫn là nghị sĩ có sức ảnh hưởng của Đảng Dân chủ tự do cầm quyền và đang vận động thay mặt cho một ứng cử viên quốc hội địa phương.
Nhật Bản là một trong những quốc gia có luật về súng đạn nghiêm ngặt nhất thế giới. Trong khi ở Mỹ, tổng lượng súng thậm chí còn nhiều hơn cả dân số, thì súng vẫn cực kỳ hiếm ở Nhật Bản. Tính đến năm 2020, Nhật Bản chỉ có 192.000 giấy phép sử dụng súng, chủ yếu là súng săn, ở một quốc gia 128 triệu dân. Năm 2021, Nhật Bản xảy ra 10 vụ nổ súng làm chết người và hư hỏng tài sản.
Theo tờ Time, ông Shinzo Abe là một nhà lãnh đạo nổi bật và không phải ngẫu nhiên mà ông là thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản. Sức hút của ông, sức mạnh của nhân cách và tài năng chính trị đáng nể của ông đã giúp ông chiếm một vị trí lâu dài trong tâm trí người dân nước này. Trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của mình (2006-2007), ông là Thủ tướng trẻ nhất của Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ hai. Trong nhiệm kỳ thứ hai (2012-2020), ông đã giúp nâng cao vị thế lãnh đạo của Nhật Bản trên trường quốc tế thông qua các hoạt động và sáng kiến quan trọng.
Di sản của ông để lại sẽ bao gồm cả một chương trình cải cách trong nước đầy tham vọng và một chính sách đối ngoại có tầm nhìn xa. Hai mũi tên đầu tiên trong kế hoạch cải cách kinh tế “Abenomics” của ông - sử dụng sự gia tăng chi tiêu nhà nước và chính sách tiền tệ siêu dễ dàng để khởi động lại nền kinh tế trì trệ của Nhật Bản - đã tạo ra những kết quả tích cực như đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi vòng xoáy giảm phát, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong 26 năm và tạo ra giai đoạn 71 tháng tăng trưởng liên tiếp. Đáng chú ý, mũi tên thứ ba trong gói chính sách Abenomics - cải cách cơ cấu - đã đưa nhiều người hơn, đặc biệt là phụ nữ trẻ, tham gia vào lực lượng lao động của đất nước và nới lỏng các quy tắc đã hạn chế mạnh việc nhập cảnh đối với lao động nhập cư.
Trong lĩnh vực đối ngoại, các chính sách đối ngoại mạnh mẽ của ông Abe đã truyền cảm hứng cho lòng tự tin quốc gia ở Nhật Bản, mặc dù cũng gây ra nhiều tranh cãi. Ông đã mất rất nhiều thời gian để vượt qua các áp lực bảo hộ ở Nhật Bản nhằm ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barrack Obama, và tiếp tục lãnh đạo đưa kế hoạch này trở thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định (CPTPP) khi chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi hiệp định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì lễ đón Thủ tướng Shinzo Abe trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2017. Ảnh: TTXVN
Đồng thời, ông Abe cũng là người thúc đẩy sửa đổi hiến pháp Nhật Bản theo chủ nghĩa hòa bình để nước này có thể có một vai trò quyết đoán hơn ở Đông Á. Mặc dù kế hoạch của ông vẫn chưa thành hiện thực, nhưng Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida vẫn đang thúc đẩy theo hướng tương tự.
Theo nhiều nhà phân tích, Nhật Bản đang may mắn có bối cảnh chính trị khá ổn định và có ý thức đoàn kết dân tộc – những yếu tố vốn đang thiếu ở một số nước G7 khác. Sự đồng cảm và thương tiếc đối với cố Thủ tướng Shinzo Abe có thể sẽ nâng cao vị thế của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền trong các cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, củng cố thêm khả năng cho Thủ tướng đương nhiệm Kishida Fumio trong việc thực hiện một số mục tiêu chính trị và chính sách của nhà lãnh đạo tài ba Shinzo Abe.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Time & CNA)