Các quốc gia trên thế giới sẽ cần cân nhắc những chiến lược kinh tế và chính sách phù hợp, để giải quyết các thách thức chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra. Đây là nhận định được Bộ trưởng Giao thông Vận tải, kiêm Bộ trưởng Phụ trách Quan hệ Thương mại Singapore S. Iswaran đưa ra tại Diễn đàn kinh tế Les Rencontres Economiques d’Aix-en-Provence lần thứ 22, được tổ chức tại Pháp từ ngày 8-10/7.

Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp ở Indonesia. Ảnh minh họa: Jakarta Globe/TTXVN

Cụ thể, theo ông S. Iswaran, thế giới đang đối phó với những căng thẳng địa chính trị, xung đột, và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Vào thời điểm này, điều quan trọng là chống lại xu hướng hướng nội, và đảm bảo duy trì sự kết nối quốc tế toàn cầu. Điều đó đóng vai trò quan trọng, bởi sự đa dạng hóa sẽ là điều cần thiết khi nói đến khả năng phục hồi nhanh của chuỗi cung ứng.

Liên quan đến vấn đề này, ông S. Iswaran cho hay, Singapore đã theo đuổi các hiệp định thương mại tự do (FTA) và tiếp tục làm như vậy ngay cả trong 2 năm xảy ra đại dịch. Có thể thấy, Singapore đã ký kết FTA với Liên minh châu Âu (EU), và đang duy trì thực hiện nỗ lực này với nhiều quốc gia và khu vực khác.

Ngoài ra, một điều quan trọng khác là việc tìm kiếm những cơ hội tăng trưởng mới, chẳng hạn như trong lĩnh vực kỹ thuật số, để đảm bảo doanh nghiệp và người dân có thể nắm bắt sự tăng trưởng này. Một ví dụ điển hình là Singapore vừa bắt đầu thực hiện các thỏa thuận và quan hệ đối tác về kinh tế kỹ thuật số với nhiều quốc gia, chẳng hạn như Australia, New Zealand, và Chile.

“Tiếp theo là các hiệp định kinh tế xanh, nơi chúng ta có thể hợp tác với nhau như những đối tác cùng chí hướng, và đảm bảo sự tăng trưởng mà chúng ta theo đuổi vì lợi ích chung, cũng là sự tăng trưởng mang tính bền vững, xanh, và không gây hại cho tương lai của hành tinh”, ông S. Iswaran khẳng định; đồng thời nói thêm, sự tăng trưởng phải mang tính bao trùm, bởi tác động của tăng trưởng đối với các doanh nghiệp và người dân sẽ khác nhau.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cần được trang bị tốt để tham gia vào sự tăng trưởng này, có thể là ra nước ngoài để tiếp cận những thị trường mới, tham gia vào các nền tảng kỹ thuật số, hoặc phát triển năng lực của họ. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần đầu tư vào công tác đào tạo, để người dân sở hữu những kỹ năng và khả năng tham gia vào các cơ hội mới này.

Được biết, Diễn đàn kinh tế Les Rencontres Economiques d’Aix-en-Provence đã chào đón 5.000 người tham dự trực tiếp, và hàng trăm nghìn người tham dự trực tuyến. Sự kiện quy tụ hơn 350 diễn giả đến từ khoảng 40 quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhà kinh tế và chính trị gia.

Nhận định về diễn đàn năm nay, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho rằng: “Diễn đàn đã trở thành một khoảnh khắc trao đổi thực sự về tình hình kinh tế ở Pháp, ở châu Âu và phần còn lại của thế giới, với nhiều diễn giả chất lượng cao”.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ The Straits Times & Lesrencontreseconomiques.fr)