Indonesia dự kiến 15-20 năm để hoàn thành việc xây dựng thủ đô mới. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Đầu tư Bahlil Lahadalia cho biết gã khổng lồ công nghệ Foxconn và tập đoàn Fosun đang tìm hiểu khả năng đầu tư vào IKN, trong đó Foxconn xem xét cung cấp nền tảng thành phố thông minh cho Nusantara. Ông Bahlil cho biết thêm rằng, trong chuyến công du mới đây tới Abu Dhabi với Tổng thống Joko Widodo (Jokowi), Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) tuyên bố giữ nguyên cam kết đầu tư ít nhất 20 tỷ USD vào đại dự án này. 

Chính quyền của ông Jokowi đã công bố kế hoạch chuyển thủ đô đến tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo chỉ vài tháng sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai vào năm 2019. Đầu năm nay, Hạ viện đã thông qua luật về IKN và chính phủ đã mở thầu một số dự án cơ sở hạ tầng tại khu vực này. Dự án ban đầu thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và các nhà đầu tư, trong đó có Softbank và UAE. Người sáng lập Softbank, ông Masayoshi Son đã được bổ nhiệm làm thành viên Ban chỉ đạo giám sát dự án xây dựng IKN, cùng với Thái tử Abu Dhabi Mohammed Bin Zayed Al Nahyan và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Tuy nhiên, Softbank đã thông báo quyết định rút khỏi dự án này hồi tháng 3 vừa qua. 

Fosun International là một trong những tập đoàn thuộc sở hữu tư nhân lớn nhất ở Trung Quốc, với tổng doanh thu 25 tỷ USD và tài sản 126 tỷ USD vào năm 2021. Theo ông Bahlil, đại diện của Fosun đã đến Indonesia vào ngày 4/7 và được Tổng thống Jokowi tiếp vào ngày 5/7. Trong khi đó, Foxconn là công ty công nghệ với doanh thu 201 tỷ USD và lợi nhuận ròng 4 tỷ USD vào năm 2021. Theo ông Bahlil, Foxconn muốn đầu tư vào dự án IKN và đã được Tổng thống Jokowi tiếp đón. Ngoài dự án IKN, Foxconn mới đây cũng bày tỏ ý định đầu tư vào ngành công nghiệp xe điện và công nghệ thông tin truyền thông (ITC) của Indonesia, với tổng số tiền 8 tỷ USD.

Bộ trưởng Bahlil dự báo Foxconn sẽ bắt đầu hiện thực hóa khoản đầu tư này trong quý 3 hoặc quý 4 năm nay với các nhà máy tại Khu công nghiệp tích hợp Batang.

Sự quan tâm các các nhà đầu tư tới IKN diễn ra trong bối cảnh công chúng và các chuyên gia tiếp tục nghi vấn về khả năng tồn tại của dự án này, thể hiện qua kết quả nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Cụ thể, trong số 170 bên liên quan được hỏi, có tới 58,7% tỏ ra nghi ngờ về việc dự án sẽ được triển khai do các vấn đề tài chính và quản lý. Theo các nhà nghiên cứu của CSIS, mức độ bi quan này là khá cao.

Theo TTXVN