Thông tin sai sự thật được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: tienphong.vn

Trả lời báo chí ngày 11/7, người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, những thông tin do một số tài khoản mạng xã hội nêu trên là tin đồn thất thiệt, không chính xác. Bộ Công an đề nghị mọi người dân không tin, không nghe, không lan truyền các thông tin thất thiệt; tiếp nhận các thông tin chính thống từ cơ quan chức năng có thẩm quyền...

Theo cơ quan chức năng, thông tin này làm ảnh hưởng đến uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tác động xấu đến thị trường chứng khoán… Điều đáng nói đây không phải là lần đầu, những thông tin thất thiệt được loan truyền trên mạng xã hội làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân mà rất nhiều vụ việc trước đó đã được cơ quan chức năng xử lý.

Trong cuộc sống, quản lý, điều hành Nhà nước và xã hội, trên các diễn đàn báo chí và xã hội chúng ta thấy rất nhiều lời nói, phát ngôn, phát biểu, trong đó có phát ngôn có giá trị, nhưng cũng có rất nhiều phát ngôn không có giá trị. Vì sao vậy?

Phát ngôn nói nôm na là lời nói mang nội dung, quan điểm của cá nhân hay một tổ chức về một vấn đề gì đó đưa ra trước cộng đồng. Đó có thể là câu trả lời cho một câu hỏi mà nhiều người đang quan tâm hay giải đáp, giải thích, thông tin, thông báo… đến cộng đồng một thông điệp gì đó.

Tự do ngôn luận là quyền của con người trong việc tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến của mình đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội dưới hình thức bằng lời nói, văn bản (viết tay hoặc đánh máy), hoặc dưới bản điện tử (email, facebook, zalo…), hoặc dưới hình thức khác (tranh vẽ, biểu diễn nghệ thuật…). Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Tuy nhiên, trong đời sống xã hội đôi khi chúng ta tiếp nhận được quá nhiều phát ngôn, thậm chí là phát ngôn trái chiều, phát ngôn không chính thống, phát ngôn sai… khiến cho thông tin trở nên nhiễu loạn. Giữa thời đại mà công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, chúng ta càng dễ lạc lối giữa muôn trùng thông tin dư luận đa dạng, bùng nổ.

Vậy, phát ngôn như thế nào mới được gọi là phát ngôn đúng? Có hai vế trong một mệnh đề liên quan đến phát ngôn, cần minh định để từ đó chúng ta phân biệt được đâu là phát ngôn đúng và đâu là phát ngôn không đúng.

Thứ nhất, người phát ngôn là ai? Thứ hai, nội dung phát ngôn là gì? Đôi khi người phát ngôn đúng, nhưng nội dung phát ngôn lại sai; ngược lại, đôi khi nội dung phát ngôn đúng nhưng người phát ngôn lại sai. Thậm chí, có những phát ngôn nội dung cũng sai mà cả người phát ngôn cũng sai. Trong xã hội, giữa một cuộc họp, hội nghị, hội thảo, trên báo chí, mạng xã hội… đôi khi có những người nói rất hay, nhưng lại không đúng vì rơi vào 3 trường hợp trên.

Vậy đâu mới là phát ngôn đúng và có giá trị? Đó là phát ngôn đúng nội dung và người phát ngôn đúng chuyên môn, vị trí, vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền.

Để tránh việc thông tin không đúng pháp luật đã có quy định về quyền phát ngôn, phát ngôn trên báo chí và người phát ngôn. Luật Báo chí và các nghị định cũng đã quy định rất rõ về phát ngôn, quyền phát ngôn, người phát ngôn. Các ngành các cấp, các địa phương cũng ban hành quy chế phát ngôn và người phát ngôn, trong đó quy định ai là người sẽ có trách nhiệm phát ngôn về vấn đề, lĩnh vực mà mình chịu trách nhiệm.

Ông cha ta từ ngàn xưa đã đúc kết về phát ngôn một cách ngắn gọn: Danh chính ngôn thuận. Lời nói, phát ngôn, phát biểu… chỉ có giá trị khi lời nói ấy được phát ra từ người có trách nhiệm đúng với chức danh được xã hội công nhận.

Hoàng Đăng Khoa