Kiểm tra công tác đảm bảo bữa ăn cho chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động

Tăng gia sản xuất

Theo Thượng tá Ngô Đoàn Long, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, tập trung đảm bảo công tác hậu cần, bảo đảm lương thực, thực phẩm là công tác thường xuyên nhất, trọng tâm nhất để bảo đảm cho CBCS trên hai tuyến biên phòng. Trong đó, chỉ đạo tăng gia sản xuất (TGSX), bảo đảm tại chỗ, phục vụ đời sống, để CBCS có đủ sức khỏe, thực hiện nhiệm vụ thường xuyên và sẵn sàng chiến đấu là “điểm nhấn” quan trọng.

Phòng Hậu cần tham mưu cho Bộ Chỉ huy, để cơ quan quân nhu thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình ở các đơn vị, đồng thời trực tiếp chỉ đạo cho các đơn vị trong công tác TGSX đạt từ 80- 100% định lượng rau xanh; 60-80% định lượng thịt các loại.

“Bộ Quốc phòng đảm bảo về định lượng, nhưng công tác hậu cần TGSX là để bảo đảm lượng tại chỗ, sẵn sàng trong trường hợp ở địa phương xảy ra dịch bệnh hoặc thiên tai, công tác vận chuyển bị ngăn cách, thì lương thực, thực phẩm của các đơn vị vẫn đảm bảo ngay. Mặt khác, TGSX giúp các đơn vị cải thiện thêm đời sống. Rau xanh, thịt các loại nhập vào bếp ăn đơn vị với giá rẻ hơn. Đây là nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho CBCS” - Thượng tá Ngô Đoàn Long cho biết. Với ý nghĩa quan trọng đó, từ sự đầu tư thêm của Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đẩy mạnh đầu tư mô hình điểm, tăng gia sản xuất tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động. Triển khai thực hiện mô hình hiệu quả, ngoài việc đảm bảo 100% rau xanh, 60-70% thịt gia súc, gia cầm sạch cho CBCS đơn vị và chiến sĩ mới trong thời gian huấn luyện, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động mua lúa mới trong các vụ mùa, xay xát, chủ động cung cấp nguồn gạo giá rẻ, ngon, sạch cho các đơn vị trên hai tuyến biên phòng, đảm bảo sức khỏe của CBCS.

Thực hiện chỉ đạo của Phòng Hậu cần, nhân rộng mô hình, hầu hết các đơn vị đã có hệ thống vườn, giàn, hệ thống chuồng trại bảo đảm thống nhất, chính quy. Vì vậy, công tác TGSX ngày càng hiệu quả. Tỷ lệ tự túc về rau xanh, thịt, cá của các đơn vị ngày càng cao.

6 tháng đầu năm 2022, các đơn vị TGSX đạt gần 34 tấn rau củ quả; gần 10 tấn thịt gia súc; 2,4 thịt gia cầm và 0,54 tấn cá. Nổi bật là Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, Đồn Biên phòng Nhâm, Đồn Biên phòng Hương Nguyên. “Trong đó, Đồn Biên phòng Hương Nguyên là đơn vị ở xa Bộ Chỉ huy, đường sá cách trở. Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo đơn vị tự bảo đảm thực phẩm, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Đơn vị đã đẩy mạnh TGSX rau xanh, chăn nuôi nhiều đàn bò, dê, lợn. Theo đó, đàn gia súc, gia cầm bảo đảm cho đơn vị 3 tháng trở lên, nếu địa hình bị chia cắt do ảnh hưởng thiên tai” - Thượng tá Ngô Đoàn Long thông tin.

Vững bước quân hành

Là “điểm tựa” vững chắc của người dân nơi biên giới, CBCS quân hàm xanh, dù trong thời tiết nắng gắt hay mưa rét, luôn là lực lượng nòng cốt giúp dân làm đường, xây dựng, sửa chữa nhà, gặt lúa chạy bão, dầm mình trong mưa lớn đắp đê, kè biển, cõng người già, trẻ em qua nước lũ đến nơi an toàn. Các anh lội suối vượt dốc thực hiện những chuyến tuần tra biên giới hoặc theo dấu, mật phục truy bắt tội phạm; lênh đênh sóng gió tuần tra, bất kể thời gian, không gian, xuất kích cứu hộ cứu nạn ngư dân gặp nạn trên biển. Tất cả những điều đó là biểu tượng của sức mạnh trách nhiệm và ý chí, bản lĩnh của lực lượng BĐBP tỉnh, mà sức khỏe của mỗi CBCS là yếu tố vô cùng quan trọng. Vậy nên, đảm bảo tốt đời sống, sinh hoạt (ăn, mặc, ở, chăm sóc sức khỏe) cho đồng đội là nhiệm vụ, tâm niệm của chỉ huy và mỗi cán bộ Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Phòng Hậu cần luôn bảo đảm đủ cơ số thuốc và vật tư y tế cho nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe CBCS thường xuyên, dự trữ sẵn sàng chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất. Hàng năm quân y kiểm tra, khám sức khỏe cho 100% CBCS, để phát hiện sớm các bệnh hiểm nghèo, tư vấn, giới thiệu đến khám, điều trị tại tuyến trên. Đồng thời, thường xuyên hướng dẫn các đơn vị trong công tác ăn uống, trong rèn luyện hàng ngày để tăng cường sức khỏe cho CBCS. Nhờ sự chủ động chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho CBCS, tỷ lệ quân số khỏe toàn lực lượng BĐBP tỉnh, hàng năm luôn vượt chỉ tiêu đề ra trên 98,6%.

Đặc biệt, trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Phòng Hậu cần tham mưu cho Bộ Chỉ huy về công tác phòng, chống dịch, phối hợp các phòng khác, triển khai hiệu quả 19 chốt chống dịch trên biên giới. Từng có mặt tại chốt chống dịch, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân (A Lưới) trong một ngày rét mướt, theo chân CBCS biên phòng khi các anh tuần tra lúc chiều muộn; trực chốt giữa khuya khoắt, sương muối, gió núi buốt giá, mới hiểu trách nhiệm của Phòng Hậu cần, khi lo ăn, mặc, ở chu toàn, đảm bảo sức khỏe cho CBCS “bám” chốt. Áo ấm, bít tất, đệm nằm, chăn bông, mũ lông… sau khi giao đơn vị cấp phát tận tay từng người, cán bộ Phòng Hậu cần lặn lội đến tận chốt, trực tiếp kiểm tra sự đảm bảo chế độ, tiêu chuẩn.

Không chỉ chăm sóc sức khỏe cho CBCS, các phòng khám quân dân y kết hợp còn khám, cấp thuốc miễn phí cho người dân biên giới, Nhân dân khu vực biên giới nước bạn Lào, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị giữa Việt Nam và nước bạn.

Với những đóng góp quan trọng, nhiều năm liền, Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng; được Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh