Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong những năm qua có giảm, nhưng Việt Nam vẫn đứng trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới. Ảnh: MC

Phòng, chống tác hại thuốc lá là một trong các công tác quan trọng được Đảng, Nhà nước quan tâm và triển khai các biện pháp giảm tác hại của thuốc lá hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ sử dụng sản phẩm thuốc lá đã giảm, nhất là trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Kết quả điều tra năm 2020 cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá ở thanh, thiếu niên (15-24 tuổi) giảm xuống còn 13%. Nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá và tiếp xúc thụ động với khói thuốc ngày càng cao. Tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn bỏ thuốc khi đến cơ sở y tế tăng từ 40,5% năm 2015 lên 72,2% năm 2020; Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá được thành lập...

Tuy nhiên, kết quả điều tra cũng cho thấy, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong những năm qua có giảm, nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá của nam giới vẫn đứng trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới. Tỷ lệ hút thuốc trong nữ giới tuy vẫn ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực, nhưng lại đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh, thiếu niên cũng có xu hướng tăng, hiện đang là 2,6% ở nhóm trẻ 13-17 tuổi và 7,3% ở nhóm 15-24 tuổi. Tình trạng tiếp xúc thụ động với khói thuốc vẫn còn cao, khoảng 30,9% người lao động bị phơi nhiễm thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc và 56% người từ 15 tuổi trở lên bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nhà…

Với dự thảo “Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030” được Bộ Y tế lấy ý kiến, các đơn vị thảo luận về mục tiêu chung và các giải pháp nhằm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. Đồng thời, có biện pháp kiểm soát hiệu quả để giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường trong nước, giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra.

ĐỒNG VĂN