Bị cáo trong buổi xét xử
Huế những ngày đầu hạ nắng như thiêu như đốt. Thế nhưng phiên tòa xét xử bị cáo Thịnh về tội giết người do Tòa án Nhân dân tỉnh tổ chức lại thu hút sự quan tâm của nhiều người. Họ đến đây để chứng kiến đứa cháu nội “nghịch tôn” phải trả giá cho hành vi tàn độc của mình về hành vi cướp đi mạng sống của chính bà nội mình.
Tại tòa, trông Thịnh có phần tiều tụy, đôi mắt vô hồn, đờ đẫn, thờ ơ với xung quanh do có thâm niên sử dụng chất ma túy gần 7 năm, nhưng không giấu được vẻ bặm trợn của một kẻ sát nhân máu lạnh. Thịnh cúi đầu không dám ngoái về phía những người thân trong gia đình đang đến dự phiên tòa.
Trước tòa, Lê Ngọc Phú Thịnh không chỉ được xác định là một kẻ giết người như ở những vụ án khác, mà còn được liệt vào loại đại nghịch, bất hiếu. Thái độ lạnh lùng, kẻ đại bất hiếu mở đầu lời khai nhận tội bằng việc khẳng định bản cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh là đúng.
Thuật lại tội ác tày trời, bị cáo Thịnh trình bày, chiều 14/7/2021, khi đi qua giếng nước thì bị bà nội là Trần T. G. (SN 1945, trú đường Phạm Thị Liên, phường Kim Long) chửi bới, la mắng làm cho Thịnh bực tức và nảy sinh ý định giết bà. Sau đó, Thịnh đến khu vực bếp lấy một cây rựa dài 70cm, đi lại chỗ bà G. đang ngồi chém nhiều nhát làm bà G. chết tại chỗ. Sau khi gây án xong, Thịnh thủ trong người 1 con dao nhỏ rồi đi ra phía bờ sông gần nhà thì bị lực lượng công an bắt giữ.
Lạnh lùng khi thực hiện tội ác và lạnh lùng trong từng lời khai nhận tội, thế nên khi Hội đồng xét xử truy vấn, Thịnh tỉnh ráo: “Bị cáo ăn năn vì biết hành động của mình là sai, nhưng không phải vô cớ hành động như vậy mà nguyên do xuất phát từ bà nội”. Vẫn thái độ mất hết tính người, Thịnh phân trần: “Bị cáo thấy việc mình làm là sai, nhưng vì bà nội ngược đãi, mắng chửi bị cáo từ nhỏ nên bị cáo hành xử như vậy!”.
Sau khi nghe bị cáo trình bày, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa nghiêm giọng: “Gia đình bị cáo có đông anh chị em, dẫu rằng khó khăn nhưng ai cũng chọn cho mình một tương lai tươi sáng. Riêng bị cáo lại không chịu cố gắng nỗ lực vươn lên, ăn chơi lêu lổng rồi dính vào ma túy dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức và hành vi. Nhân thân bị cáo không tốt, từng bị xử phạt về hành vi gây rối trật tự công cộng, sử dụng trái phép chất ma túy và cố ý gây thương tích. Chọn con đường sai lầm, không chỉ bị cáo phải chịu hậu quả mà thực tế cả gia đình bị cáo cũng đã phải chịu nỗi đau lớn... Việc bà la mắng bị cáo nguyên nhân xuất phát từ bị cáo, do bị cáo là thanh niên trong gia đình nhưng không chịu lao động, nghiện ngập, thường xuyên chặt cây cối, gây rối không cho bà nghỉ ngơi”.
Đến dự phiên tòa có người thuộc hàng con cháu, thân thích của cụ bà xấu số. Chẳng ai nói ra, song trong lòng họ đều mang những nỗi đau đớn tột cùng. Vì rằng ở đời làm gì có nỗi đau nào hơn nỗi đau “con giết cha, cháu giết bà”, vì rằng bi kịch ập đến với đại gia đình họ quá đỗi bất ngờ và khủng khiếp.
Vừa đại diện cho bị hại vừa là mẹ đẻ của bị cáo, bà M. như đứng giữa hai dòng nước. Gạt nước mắt thương mẹ chồng vắn số và đau lòng vì đứa con ngỗ ngược của mình, bà M. cho biết, Thịnh sử dụng chất ma túy khi mới 17 tuổi, thần kinh bị ảnh hưởng nên nhiều lúc không kiểm soát được hành vi. Vợ chồng tôi cũng vì lam lũ, lo chạy ăn từng bữa nên thiếu sự quan tâm, giáo dục con để xảy ra chuyện đau lòng này. Xin tòa xem xét để cháu có cơ hội sớm trở về với gia đình, chuộc lại tội lỗi do mình gây ra.
Phiên toà kết thúc, với mức án tù chung thân, Thịnh không tỏ ra bất ngờ. Đứa "nghịch tôn" giết bà lầm lũi lên xe thùng về nhà giam trong tiếng khóc nấc của người thân còn văng vẳng sau lưng. Có lẽ đối với bị cáo mức án dù có cao bao nhiêu cũng không thể bằng bản án lương tâm, tất cả đã quá muộn cho một đứa cháu tội đồ. Với tội ác tày trời này, dù pháp luật có khoan hồng thì trong lòng mỗi người biết đến vụ án đều khó có thể tha thứ cho bị cáo.
Bài, ảnh: Thái Sơn