Thi công dự án đê tả sông Luộc, tỉnh Hưng Yên.
Bên cạnh những khó khăn chung như ảnh hưởng của dịch bệnh, giá nguyên vật liệu và nhân công lao động tăng cao... việc giải ngân vốn đầu tư công các dự án ngành nông nghiệp còn chịu nhiều tác động của thời tiết, liên quan nhiều đến thủy lợi, đê điều, có tính đặc thù cao, vừa thi công vừa phải bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ
Có mặt tại dự án nâng cấp 2,7km đê tả sông Luộc, tỉnh Hưng Yên, mặc dù trời nắng gắt, nhưng chúng tôi chứng kiến không khí lao động hối hả, chạy đua với thời gian. Dự án có tổng vốn được cấp là 136,8 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được gần 42 tỷ đồng, đạt hơn 30%. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Hưng Yên, Nguyễn Tất Thắng chia sẻ: Năm nay mùa mưa đến sớm hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công. Chúng tôi thường xuyên có mặt đôn đốc nhà thầu tích cực thực hiện bảo đảm chất lượng và tiến độ. Kinh nghiệm của chúng tôi để giải ngân tốt thì công tác phối hợp giữa chủ đầu tư và nhà thầu phải hết sức chặt chẽ. Xong giai đoạn, hạng mục nào thì ký nghiệm thu ngay, tránh tình trạng lúc hoàn thành mới quay lại kiểm đếm, tính giá vật liệu,… như vậy sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Do đó, năm 2021, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Hưng Yên đã giải ngân 100% vốn được giao. Năm 2022, các dự án nông nghiệp của tỉnh được cấp vốn cũng đang được khẩn trương tăng tốc.
Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao 6.438 tỷ đồng, trong đó dự án trong nước là 4.218 tỷ đồng, dự án ODA 2.220 tỷ đồng (1.900 tỷ đồng vốn nước ngoài, 320 tỷ đồng vốn đối ứng trong nước). Tính đến hết tháng 6, tổng giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 21,53% (giải ngân vốn trong nước là 22,68% và 18,77% vốn nước ngoài), thấp hơn so với mức 35,9% đạt được của sáu tháng đầu năm 2021.
Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng cơ bản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hải Thanh cho biết, giai đoạn từ quý I đến quý III, phần lớn các dự án của Bộ đều là những dự án chuẩn bị đầu tư mới, nằm trong kế hoạch trung hạn 2021-2025. Ðối với các dự án mới thì sẽ mất nhiều thời gian để khảo sát, thiết kế và phê duyệt các giai đoạn. Hiện các dự án này đang ở bước khảo sát thiết kế và đấu thầu. Trung bình thời gian khảo sát, thiết kế cũng mất từ ba đến bốn tháng cho mỗi giai đoạn, để bảo đảm về chất lượng, tiến độ công trình. Kinh phí cho khảo sát, thiết kế rất quan trọng, tuy nhiên lượng vốn cho khảo sát, thiết kế lại chỉ chiếm 10-12% trong tổng mức đầu tư. Lượng vốn cần giải ngân lớn chủ yếu ở phần xây lắp, thi công. Do đó, tuy thấp hơn trung bình cả nước, nhưng con số đó sẽ bứt phá vào cuối năm.
Ở góc độ địa phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, Phạm Ngọc Thịnh chia sẻ, việc giải ngân vốn đầu tư công gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân là các dự án khi khởi công mới được bố trí vốn đầu năm phải mất nhiều thời gian triển khai các thủ tục và thời gian này thường mất từ bốn đến sáu tháng. Ngoài ra, một số nguyên nhân liên quan công tác phân bổ vốn; biến động của giá vật liệu xây dựng; quá trình khảo sát, lập dự án một số dự án đặc thù còn chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn ở một số dự án, nhất là những tháng đầu năm.
Vụ trưởng Vụ Xây dựng cơ bản, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ðặng Nhật Tân chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều thời điểm công tác giãn cách xã hội trùng với thời gian các dự án đang triển khai thực hiện cho nên ảnh hưởng tới tiến độ. Bên cạnh đó, các dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan nhiều đến thủy lợi, đê điều, có tính đặc thù cao, công tác thi công có tính thời vụ, thời gian thi công ngắn, vừa thi công vừa phải bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp, việc khoan đê, cắt đê, cắt bê-tông, san lấp, không thực hiện được trong thời điểm mưa bão. Ngoài ra, nhiều dự án triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp những vướng mắc về thủ tục và trình tự quy định, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ của dự án.
Giai đoạn tăng tốc
Nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 dành cho ngành nông nghiệp tăng 30% so với giai đoạn 2016-2020. Vốn vay ODA cũng tăng gấp đôi. Do đó, mỗi năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải giải ngân 20.000 tỷ đồng. Tính trong ba năm (2023-2025), toàn ngành phải giải ngân hết khoảng 60.000 tỷ đồng.
Khảo sát thiết kế là khâu rất quan trọng để bảo đảm về chất lượng, tiến độ công trình. Nếu khảo sát thiết kế sai sẽ tạo ra những hệ lụy lớn, như phải điều chỉnh một loạt những vấn đề trong thi công sau này. Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng cơ bản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Hải Thanh chia sẻ: Sau khi nhận diện nhóm vấn đề nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung các chuyên gia giỏi để khảo sát thiết kế, bảo đảm các dự án đạt chất lượng tốt nhất. Chính vì vậy, Bộ đã có kế hoạch và ghi nhận trong vấn đề tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết ngày 30/6/2022 tuy có cao hơn một nhiều bộ, ngành, nhưng đang thấp hơn so với trung bình của cả nước. Ðến cuối quý III, đầu quý IV, chúng tôi sẽ giải ngân đạt hơn 90% (vốn trong nước 95%, vốn nước ngoài khoảng 78%) kế hoạch được giao. Cơ sở của kết quả này là những dự án có khả năng khởi công trong năm 2022. Vì vậy, những tháng cuối năm khi các hồ sơ đấu thầu hoàn thiện, dự án đi vào xây dựng, việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng rất nhanh và chủ yếu ở giai đoạn này.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ khởi công xây dựng 127 dự án đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó phần lớn là các công trình thủy lợi, hồ chứa, cảng cá... Ngoài ra, còn hai dự án nhóm A, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ và đang chờ phê duyệt.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin, để bảo đảm đầu tư công hiệu quả, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung vào các dự án với đa mục tiêu, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những chủ đầu tư chậm tiến độ, kiên quyết không thực hiện những dự án kém hiệu quả. Bên cạnh đó, gắn trách nhiệm người đứng đầu vào công tác giải ngân vốn đầu tư công trên cơ sở đánh giá về năng lực, chất lượng, tiến độ giải ngân và bám sát theo từng tháng các kết quả đạt được của người đứng đầu để từng quý đánh giá và đến cuối năm sẽ bình bầu. Ðặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất cơ chế bố trí vốn linh hoạt theo từng dự án, từng thời điểm. Với những dự án có sự góp vốn của địa phương, Bộ sẽ tính toán không để vốn góp dẫn đến tổng mức đầu tư của dự án tăng lên, hoặc thiếu vốn gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Ðồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang phấn đấu quản lý vốn đầu tư công theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp và theo đúng mục tiêu của Chính phủ; chỉ rõ từng thời kỳ, giai đoạn nào, kết quả ra sao và có minh chứng để chứng minh những điều đó.
Theo nhandan.vn